Mở lối đưa nông sản vào siêu thị

17/08/2018 07:07

Đưa nông sản vào siêu thị là vấn đề không hề dễ, bởi tình trạng sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân trên địa bàn tỉnh hiện vẫn mang tính manh mún, không đáp ứng được những yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm một cách nghiêm ngặt của các siêu thị hiện nay.

Trong thời gian qua, với vai trò kết nối, Sở Công thương Kon Tum phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 3 buổi gặp mặt, tọa đàm giữa các siêu thị và doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất ở Kon Tum, nhằm đưa các sản phẩm hàng hóa của tỉnh lên kệ hàng Siêu thị Co.opmart Kon Tum và Siêu thị Big C miền Trung.

Tại các buổi tọa đàm, Siêu thị Big C Miền Trung chú ý đến mặt hàng rau, củ quả sản xuất tại Măng Đen (Kon Plông) nhưng siêu thị này yêu cầu quy trình đưa sản phẩm nông sản vào siêu thị phải có hồ sơ pháp lý, kiểm nghiệm sản phẩm an toàn và hồ sơ thanh toán cho từng loại hình sản xuất.

Siêu thị Co.opmart Kon Tum chú ý đến các mặt hàng như cà phê, sâm dây, đương quy… nhưng yêu cầu lá sâm dây, lá đương quy từ khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển đến siêu thị phải còn tươi xanh thì mới đến được người tiêu dùng.

Ông Bùi Quốc Bình - Giám đốc chi nhánh Siêu thị Co.opmart Kon Tum cho biết: Đưa được sản phẩm vào cung ứng tại hệ thống siêu thị là thành công lớn đối với các cơ sở sản xuất địa phương. Bởi, kênh phân phối này là nơi quảng bá tốt nhất với sự có mặt của hàng trăm, hàng ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm mỗi ngày. Do vậy, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư lưu thông phân phối thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, có nguồn gốc để thực phẩm an toàn được đến tay người tiêu dùng.

“Trước mắt Siêu thị Co.opmart Kon Tum sẽ hỗ trợ chi phí kiểm nghiệm đầu vào cho hai mẫu sản phẩm hồng đẳng sâm và đương quy; hỗ trợ mặt bằng trong siêu thị để bày bán hai sản phẩm này” - ông Bình thông tin.

Xã viên HTX Rau hoa xứ lạnhThanh niên Măng Đen tuyển lựa rau trước khi đưa đi tiêu thụ

 

Ông Nguyễn Văn Ban- Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen bày tỏ: Bất cứ nhà sản xuất nào khi làm ra sản phẩm cũng muốn đưa hàng hóa đến nhiều kênh phân phối, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng để tăng doanh số. Thế nhưng để đưa được hàng vào siêu thị và trụ lại thì đó là một “cuộc chơi đầy gian nan”. Đầu tiên, cơ sở phải mất thời gian khá lâu để liên hệ; rồi siêu thị nhiều lần đến cơ sở kiểm tra sản phẩm có đạt tiêu chuẩn mới đồng ý nhận hàng. Khi đưa được hàng vào siêu thị thì chiết khấu cùng các khoản phát sinh cộng lại thường vượt mức 20%. Và, chính điều này làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm xuống, nếu giữ giá bán bằng giá bán lẻ ngoài thị trường; còn nếu nâng giá bán ở siêu thị cao hơn bên ngoài thì sẽ khó được người tiêu dùng chấp nhận. Trong khi đó, theo quy định của siêu thị, những sản phẩm mới nếu trong ba tháng đầu không đạt doanh số sẽ bị “rớt khỏi kệ hàng”.

Thực tế cho thấy, sản xuất của bà con nông dân trong tỉnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu các chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, chính tâm lý e ngại khiến nhiều nông dân chưa mạnh dạn tiếp cận với siêu thị để tìm kiếm thị trường. Cùng với đó, do thiếu các vùng chuyên canh để tập trung hàng hóa với quy mô lớn nên nông dân không có nguồn hàng ổn định đảm bảo cung ứng trực tiếp cho siêu thị.

Theo ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương, với mục đích kết nối, đưa các sản phẩm địa phương vào hệ thống siêu thị, Sở Công thương đang hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, tìm hiểu nhu cầu cung ứng và sản xuất để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo các tiêu chí đưa vào siêu thị. Thông qua các nguồn vốn khuyến công, đề án khôi phục nghề, sở sẽ tranh thủ các nguồn vốn, hướng dẫn cơ sở tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, giá cả cạnh tranh phục vụ thị trường và hướng đến hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm cho siêu thị. Các cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm của tỉnh, trong thời gian tới cần tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất (về thủ tục cấp giấy chứng nhận, tiêu thụ sản phẩm), để hàng hóa nông sản của tỉnh tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất và lưu thông phát triển theo hướng tích cực.

Dương Lê

Chuyên mục khác