14/07/2019 06:07
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” đàn bò mới được vỗ béo 1,5 tháng đang béo tốt của gia đình mình, bà Lê Thị Hồng Quảng (thôn Nhơn Lý, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) phấn chấn nói: Trước đây, khi chưa áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò theo hình thức vỗ béo, đàn bò của gia đình chậm phát triển, thời gian tăng trưởng kéo dài nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi áp dụng kỹ thuật vỗ béo bò, lại được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thức ăn tinh, thuốc tẩy nội-ngoại ký sinh trùng cho bò, bò của gia đình lông mượt, da bóng và tăng trọng nhanh. Tuy mới được hỗ trợ vỗ béo 45 ngày, nhưng bò đã tăng trọng khoảng 25-30 kg/con.
|
Trao đổi quanh chuyện vỗ béo bò, ông Nguyễn Phú (thôn Nhơn Khánh) không giấu được niềm vui: Qua thời gian thực hiện mô hình vỗ béo bò (cũng mới 45 ngày), gia đình thấy đàn bò mau lớn, tăng trọng nhanh. Với mức độ tăng trọng này, nếu nuôi vỗ béo 90 ngày theo kỹ thuật từ mô hình thì trung bình 1 con bò tăng 60-70kg hơi. Với giá 90.000-100.000 đồng/kg bò hơi trên thị trường như hiện nay, bình quân mỗi con bò sau thời gian được hỗ trợ vỗ béo theo quy định, gia đình kiếm được từ 5,4-6,3 triệu đồng.
Ông Đỗ Trọng Tân (thôn Nhơn Lý) khẳng định: Kỹ thuật chăn nuôi bò không khó, nắm bắt và thực hiện các yêu cầu theo mô hình, đàn bò được vỗ béo tăng trọng nhanh, hiệu quả kinh tế cao. Điều đáng nói là việc vỗ béo bò không mất nhiều thời gian, nông dân tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn, nhưng lại có thu nhập cao hơn một số mô hình trồng trọt và chăn nuôi khác.
Theo anh Đoàn Năng Mạnh - cán bộ khuyến nông tỉnh trực tiếp hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình vỗ béo bò cho biết, mô hình này từ lâu khẳng định hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để việc thực hiện mô hình hiệu quả cao như mong muốn, bà con nên xây dựng chuồng bò ở những nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Hướng chuồng xây theo hướng nam hoặc đông nam sẽ đáp ứng được các yêu cầu trên. Nền chuồng phải được làm chắc chắn, nếu lót gạch thì chọn loại gạch nhám, có độ bám tốt để tránh trơn trượt, tốt nhất nên láng nền bằng xi măng; nền chuồng có độ dốc 2- 3% về phía rãnh thoát nước.
Trong chuồng, cần trang bị máng ăn, máng uống cho bò. Trong chăn nuôi, bà con cần vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống và môi trường xung quanh; tẩy ngoại ký sinh trùng (ve, rận, mòng) cho bò bằng thuốc Bivermectin 0,25%, Deltamethrin, Pyrethroid, tẩy nội ký sinh trùng bằng các loại thuốc Bio-Alben, Vime-Fasci, Ivermectin, Albendazol,...
Về thức ăn, thức ăn xanh là các loại cỏ tự nhiên, cỏ trồng, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp (chiếm 55 - 60% khẩu phần ăn); thức ăn tinh là bột cám công nghiệp hoặc gia đình tự chế biến từ bột mì, bắp (chiếm 40 - 45% khẩu phần ăn).
Ông Mạnh khẳng định, qua đánh giá thực hiện mô hình vỗ béo bò từ nhiều năm nay, chỉ sau khoảng ba tháng vỗ béo, bò tăng trọng 60 – 70kg/con. Với mức giá bò hơi khoảng 100.000 đồng/kg như hiện nay, người nông dân có doanh thu 6 triệu đồng/con bò, lãi khoảng 3 triệu đồng/con bò.
Mô hình vỗ béo bò lại có thời gian quay vòng vốn nhanh, giúp bà con nông dân giảm nghèo, nâng cao đời sống hiệu quả và đang trở thành mô hình góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
ĐÀO NGUYÊN