23/03/2023 13:03
Sột soạt! Một tốp người đang lặng lẽ xuyên rừng, áo ướt đẫm mồ hôi. Họ đã đi như thế cả ngày nay. Sột soạt! Ánh mắt căng ra mỗi khi nhìn thấy một đám rẫy đã được phát, cây cỏ ngả rạp, khô quắt trong nắng gió.
Tháng 3, vùng biên nắng sạm da mặt, gió lồng lộn, quăng quật trên các sườn đồi. Tổ liên ngành vẫn lặng lẽ bước. Tổ trưởng Tuấn (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia H’Drai) động viên: Ráng đi thêm một đoạn nữa, ra đến đường lớn rồi sẽ nghỉ.
Một cậu kiểm lâm trẻ quay sang tôi: Anh đưa ba lô đây, em đeo hộ cho. Tôi gắng cười, trả lời trong hơi thở: Không sao. Mình vẫn ổn.
|
Nhưng cậu ta vẫn giành lấy cái ba lô đang dần nặng trĩu trên lưng tôi, khoác qua vai rồi cười khì, sải bước vượt lên trước. Đúng là tuổi trẻ- một kiểm lâm viên đứng tuổi cảm thán.
Đứng trên đầu dốc, tôi nhìn bao quát một vùng rừng rộng lớn đã khô khốc, gồng mình chịu sức nóng của mặt trời. Nắng như thiêu như đốt dội xuống đại ngàn. Phần lớn cây cối, thảm thực vật bìa rừng đều khô quắt, tạo nên thực bì khô rám dày đặc rất dễ gây hỏa hoạn.
Những lúc này thì cảnh tượng “rừng chiều nghe lao xao, tiếng lá non gọi gió. Tôi đứng giữa ngàn xanh mà say trong hương rừng” chỉ có trong… âm nhạc. Ở đây, cái nắng chang chang như được nhân đôi. Khát nhân đôi, quéo cổ họng. Mệt nhân đôi, rã rời đôi chân.
Đưa tay gạt những giọt mồ hôi trên trán, Tổ trưởng Tuấn bảo vào mùa khô, anh em luôn phải “căng sức” trước nhiệm vụ “kép”, đó là vừa tập trung, chủ động phòng, chống cháy rừng, vừa phải tăng cường lực lượng tuần tra rừng, truy quét lâm tặc. Mỗi đợt “ra quân” như thế này kéo dài từ 3 - 5 ngày.
Trước áp lực canh lửa giữ rừng trong mùa khô, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng bố trí lực lượng trực 24 giờ trong ngày; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra; hướng dẫn bà con đốt rẫy đúng quy trình.
Chưa kể trước đó đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tu sửa các công trình phòng cháy; mua sắm, bảo dưỡng các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng.
Tuy nhiên, công tác phòng cháy rừng trong mùa khô khốc liệt vẫn còn đó nhiều nỗi lo.
|
Như việc huy động nhân dân, phương tiện tham gia chữa cháy rừng còn gặp khó khăn do những diện tích rừng dễ cháy nằm xa khu dân cư. Đa phần các khu vực trọng điểm cháy rừng thường ở các vị trí cao, đất dốc nên các phương tiện chữa cháy (như xe bồn chứa nước) khó tiếp cận, trang thiết bị dụng cụ chữa cháy còn thô sơ (dao, rựa, bàn dập) nên hiệu quả trong việc chữa cháy còn nhiều hạn chế.
Việc làm đường băng cản lửa trên một số diện tích rừng cao su giáp ranh với rừng tự nhiên vẫn chưa được thực hiện. Đặc biệt là một số đơn vị chủ rừng không có kinh phí để xử lý triệt để vật liệu cháy trong lô nên nguy cơ cháy rừng là rất cao.
Mùa khô đang ở những ngày khốc liệt nhất. Trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng của tỉnh tràn ngập hai màu đỏ tươi (cấp IV- nguy hiểm) và đỏ thẫm (cấp V- cực kỳ nguy hiểm).
Các địa phương nằm trong mức cảnh báo cháy rừng cấp V gồm: huyện Ia H’Drai, huyện Sa Thầy, huyện Kon Rẫy, huyện Đăk Hà, huyện Đăk Tô, huyện Ngọc Hồi; các xã: Đăk Long, Đăk Môn, Đăk Kroong, thị trấn Đăk Glei của huyện Đăk Glei; các xã: Ia Chim, Hòa Bình, Chư Hreng, Đăk Rơ Wa, Đăk Blà, Đăk Cấm của thành phố Kon Tum.
Ngoài ra, huyện Kon Plông, huyện Tu Mơ Rông; các xã: Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Choong, Xốp, Đăk Man, Đăk Pek, Đăk Plô, Đăk Nhoong của huyện Đăk Glei có mức cảnh báo cháy rừng cấp III.
Vụ cháy hơn 7ha rừng trồng bạch đàn của Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam tại khoảnh 1, tiểu khu 596, thuộc địa bàn xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy vào ngày 7/3 là một tiếng chuông cảnh báo bất ngờ mà gay gắt về một mùa khô đầy khốc liệt.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, phòng, chống cháy rừng cần được thực hiện theo hướng quản lý rủi ro trong đó lấy phòng ngừa là chính; xác định phòng hơn chống để đầu tư thỏa đáng cho phòng ngừa.
Theo Ban Chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, hiện nay đang là thời kỳ cao điểm mùa khô (cấp dự báo cháy rừng là cấp IV, cấp V), cũng là thời điểm người dân triển khai các hoạt động sản xuất rẫy nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác phòng cháy rừng.
Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện các quy định về phòng cháy rừng; cấm tất cả các hoạt động đốt rẫy, đốt dọn thực bì trong thời kỳ cấp dự báo cháy rừng là cấp IV, cấp V.
Rà soát, khoanh vùng các khu vực trọng điểm cháy rừng; tăng cường lực lượng ứng trực, tuần tra, kiểm tra tại các khu vực này kết hợp theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các điểm cháy khi mới xuất hiện.
Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào rừng. Thông tin cảnh báo liên tục, kịp thời cấp dự báo cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Vào những ngày này, giữ rừng an toàn trước “giặc lửa” đang là mệnh lệnh cần phải được chấp hành với quyết tâm cao nhất.
Thành Hưng