Mang niềm vui đến cho người nghèo

25/01/2018 13:08

Những ngày cuối năm, trong không khí chuẩn bị chào đón Tết Nguyên đán, người nghèo ở xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) lại có niềm vui mới thêm phần rộn ràng; bởi họ được Nhà nước hỗ trợ bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. 52 hộ nghèo của 9 thôn trên địa bàn xã đã được trao 26 con bò giống sinh sản giảm nghèo bền vững theo hình thức luân chuyển (2 hộ nghèo được hỗ trợ nuôi 1 con bò) đã mở ra niềm hy vọng sớm được thoát nghèo đối với những hộ gia đình này.

Cả tháng nay, nhận được thông báo sắp được nhận bò giống sinh sản để hỗ trợ giảm nghèo, vợ chồng Y Trãi và A Thoa ở thôn Kon Ji Xút (xã Đăk Blà) sống trong tâm trạng vui mừng và đợi chờ đến ngày được đi nhận bò về.

Y Trãi cho biết, năm 2014, sau khi lập gia đình, hai vợ chồng được bố mẹ chia cho 1 sào ruộng. Để trang trải, vợ chồng họ đi làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập nhưng cuộc sống gia đình luôn thiếu trước, hụt sau.

Các hộ gia đình thôn Kon Ji Xút vui mừng dắt bò được hỗ trợ về nhà

 

Xác định phải “an cư” mới “lạc nghiệp”, năm 2016, hai vợ chồng Y Trãi- A Thoa quyết định vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở, thay cho căn nhà tạm bợ dột nát. Giữa lúc số tiền vay Ngân hàng Chính sách chưa tính toán được nguồn để trả thì vợ chồng Y Trãi - A Thoa nhận được thông báo gia đình sẽ được Nhà nước hỗ trợ bò giống để phát triển chăn nuôi...

Ngày đi nhận bò giống về, Y Trãi có mặt từ rất sớm. Dắt con bò được chính quyền địa phương trao, Y Trãi dâng trào cảm xúc: Ước mơ của vợ chồng em từ lâu là có vốn để mua bò phát triển chăn nuôi nhưng gia đình không có điều kiện. Đến nay, được Nhà nước hỗ trợ, vợ chồng em sẽ cố gắng chăm sóc con bò sinh sản này để sớm thoát được nghèo.

 Đi cùng Y Trãi dắt con bò sinh sản về làng Kon Ji Xút dưới con đường làng bê tông trải nhựa phẳng lỳ, hai bê đường những cánh hoa đào rừng bung nụ khoe sắc hồng phơn phớt, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn niềm vui và ý nghĩa của “món quà” mà hộ nghèo này nhận được.

Thấy vợ vừa dắt bò về tới cổng, A Thoa chạy ra hiên nhà lấy sẵn bao cỏ đã cắt về từ sáng sớm cho bò ăn, tập cho nó quen dần hơi chủ. A Thoa nói: “Hy vọng con bò sinh sản này sẽ giúp vợ chồng em có thể gầy được đàn bò để sớm thoát được nghèo”.

Đối diện gia đình Y Trãi - A Thoa là hộ gia đình A Thoắt và Y Neng cũng nằm trong danh sách được nhận bò hỗ trợ của Nhà nước. Lập gia đình được 5 năm nay, cả hai vợ chồng đều đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Cũng giống như suy nghĩ của vợ chồng Y Trãi - A Thoa, năm 2016, vợ chồng A Thoắt - Y Neng cũng quyết định vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng để xây dựng nhà ở kiên cố. Đang lo số tiền nợ ngân hàng thì gia đình nhận được bò giống hỗ trợ nên vui mừng không tả xiết…

Gia đình Y Trãi chuẩn bị chuồng trại và thức ăn sẵn trước khi dắt bò về

 

Thôn trưởng Kon Ji Xút A Thoăn chia sẻ niềm vui: Trong số 26 con bò sinh sản được trao cho 52 hộ nghèo của 9 thôn trên địa bàn xã trong đợt này thì thôn Kon Ji Xút có đến 6 hộ nghèo được nhận bò. Thời gian qua, một số hộ dân trong thôn cũng đã phát triển chăn nuôi bò và được đánh giá rất phù hợp với điều kiện, khả năng của bà con nên lần nhận bò giống hỗ trợ này gia đình nào cũng phấn khởi. Hy vọng, 6 hộ nghèo được hỗ trợ bò sinh sản sang năm sẽ thoát được nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn xuống còn 25% (hiện tại hộ nghèo của thôn chiếm 36,5%).

Phó Chủ tịch xã Đăk Blà - Trịnh Lê Văn cho biết, là xã vùng ven của thành phố Kon Tum, những năm qua, để xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Blà đã lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ bà con phát triển sản xuất nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình 135 và xây dựng nông thôn mới, mấy năm trước đây, địa phương thực hiện hỗ trợ nông cụ sản xuất và phân bón cho hộ nghèo. Tuy nhiên, qua thực tế, việc hỗ trợ phân bón và nông cụ sản xuất vẫn chưa đạt hiệu quả cao, chưa mang tính giảm nghèo bền vững. Từ thực tế ấy và mong muốn của hộ nghèo, năm nay, địa phương đã chuyển hướng hỗ trợ cho người nghèo sang xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản theo hình thức luân chuyển. Việc chuyển hướng hỗ trợ nông cụ sản xuất và phân bón sang chăn nuôi bò cho người nghèo của xã Đăk Blà được bà con trên địa bàn đồng thuận và rất phấn khởi, vì phù hợp với tập quán, điều kiện chăn nuôi, phát triển sản xuất của bà con.

Là xã có 10/13 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 8 thôn đặc biệt khó khăn, nhưng đến nay, xã Đăk Blà cũng đã đạt được 11/19 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/người/năm.

Theo Phó Chủ tịch xã Trịnh Lê Văn, để giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, từ các nguồn vốn hỗ trợ, địa phương sẽ tiếp tục định hướng cho người nghèo xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững, trong đó chăn nuôi bò là một trong những mô hình được ưu tiên nhân rộng.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác