Măng Bút: Tìm lời giải cho bài toán tăng thu nhập

11/08/2017 07:04

​Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu cốt lõi trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã Măng Bút (huyện Kon Plông) đã chú trọng phát huy hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân.

Với hơn 98% dân số là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới chiếm tỷ lệ 53%, trong khi đó kinh tế chủ lực lại chỉ dựa vào lúa nước và chăn nuôi gia súc nên Măng Bút là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Kon Plông. Làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây thực sự là bài toán nan giải.

“Chúng tôi đang từng bước thay đổi tập quán sản xuất độc canh cây lúa của bà con; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng tới sản xuất hàng hóa theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm cho người dân để nâng cao thu nhập một cách hiệu quả và bền vững” – ông A Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết.

Cà phê xứ lạnh là một trong những hướng chuyển đổi cây trồng của người dân Măng Bút. Ảnh: B.A

 

Với phương hướng, mục tiêu đề ra, hơn 3 năm nay, ngoài cây lúa, xã Măng Bút đã chuyển đổi, thực hiện trồng hơn 20ha cà phê xứ lạnh. “Qua một thời gian trồng, loại cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, một số diện tích đã thu hoạch đem lại thu nhập cao cho người dân nên trong năm nay xã sẽ trồng mới thêm 18 ha” – ông Vinh nói.

Bên cạnh cây cà phê, được sự định hướng, một số hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu. Từ một vài sào, đến nay, toàn xã đã phát triển được 3ha sâm dây, 1ha sâm đương quy, 1ha cây nghệ. Qua những mùa đầu trồng thử nghiệm, các loại cây dược liệu hiện nay được coi là hướng xóa đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.

Anh A Quỳnh - Thôn trưởng thôn Long Rủa, xã Măng Bút, huyện Kon Plông phấn khởi: Gia đình tôi mới trồng sâm dây được 2 năm, thu hoạch mùa đầu được gần 10 triệu đồng, không lo đói mùa giáp hạt nữa.Trồng sâm dây và sâm đương quy chăm sóc cũng dễ, ít sâu bệnh nên bà con ai cũng muốn trồng để tăng thu nhập.

Vừa qua, xã Măng Bút cũng đã liên kết với Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen phát triển mô hình trồng bắp lấy thân làm thức ăn gia súc theo quy mô cánh đồng lớn. Hiện nay, trên địa bàn xã phát triển được trên 10ha bắp. Với sản lượng bình quân 30 tấn/ha, với giá thu mua 700 đồng/kg, trung bình mỗi héc ta bắp sẽ cho thu hoạch trên 20 triệu đồng trong thời gian 2 đến 3 tháng. Nếu chăm sóc tốt, sản lượng có thể đạt 60 – 65 tấn/ha, cho thu nhập hơn 40 triệu đồng. Mỗi năm trồng được 2 đến 3 vụ bắp, thu nhập của người dân sẽ tăng lên nhiều lần so với trước đây.

Cùng với việc chuyển đổi, phát triển các loại cây trồng phù hợp, xã Măng Bút còn tập trung nâng cao chất lượng đàn gia súc để tạo sinh kế bền vững cho bà con. Từ các nguồn vốn 30a, dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, UBND xã đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm chuồng trại, mua trâu để phát triển kinh tế. Đồng thời, tập trung vận động người dân trồng cỏ, làm cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc. “Đến nay gần 100% hộ dân trên địa bàn xã đều có trâu. Qua tuyên truyền, bà con đã nâng cao nhận thức, biết cách chăm sóc và hạn chế tình trạng trâu bò chết vì dịch, vì lạnh” – ông Vinh cho hay.

Thông qua các mô hình phát triển cà phê xứ lạnh, trồng cây dược liệu, trồng bắp theo cánh đồng mẫu lớn, nâng cao chất lượng đàn gia súc, xã Măng Bút bước đầu tìm ra lời giải cho bài toán nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Bình An 

Chuyên mục khác