15/08/2018 07:08
Theo khảo sát của phóng viên, từ đầu năm đến nay, giá cả các loại phân bón giữ ở mức tương đối ổn định. Theo đó, giá phân Urê dao động từ 7.500 – 10.000 đồng/kg, NPK khoảng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, phân lân khoảng 4.000 – 6.000/kg, tuỳ thuộc vào từng thương hiệu, thành phần của mỗi loại phân mà mức giá khác nhau.
Giá cả ổn định là tín hiệu vui với người nông dân; tuy nhiên, có một nỗi lo luôn thường trực đó chính là chất lượng các loại phân bón. Bởi, đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng của các loại cây trồng cũng như hiệu quả kinh tế trong sản xuất của nông dân.
|
Hiện trên thị trường đang có gần 7.000 loại phân bón từ các loại phân vô cơ đến hữu cơ; loại dùng cho cây công nghiệp đến cây lúa, hoa màu; từ thương hiệu của các nhà sản xuất trong nước đến ngoại nhập. Đa dạng nhất phải nói tới là dòng phân NPK với hàng trăm loại khác nhau, giá cả cũng rất vô chừng. Bên cạnh đó, dòng phân hữu cơ cũng đa dạng chẳng kém với đủ tên gọi như phân bón sinh học, phân vi sinh, phân hữu cơ tổng hợp, phân hữu cơ vi sinh...
Hiện nay, khi nhu cầu sử dụng các loại phân có nguồn gốc hữu cơ của nông dân ngày càng cao thì số lượng, chủng loại phân này cũng được các nhà sản xuất đưa ra thị trường ngày càng nhiều. Loại nào cũng được các nhà sản xuất, người bán hàng giới thiệu, quảng cáo là tốt, chất lượng khiến người nông dân người nông dân như rơi vào “ma trận”.
Về mặt tích cực, sự đa dạng của thị trường phân bón đã mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn, hạn chế tình trạng độc quyền hay ép giá nông dân. Song, cũng chính sự đa dạng quá mức này dẫn đến tình trạng bát nháo, thật - giả lẫn lộn của thị trường phân bón.
Nông dân vô cùng khó khăn trong việc lựa chọn các loại phân bón dành cho cây trồng bởi không ai có thể biết đâu là loại đảm bảo chất lượng, đâu là loại không tốt; đâu là thật, đâu là giả. Vì vậy, giải pháp cuối cùng là người dân đành lựa chọn theo thói quen, kinh nghiệm; theo sự giới thiệu của người bán hàng hoặc tin tưởng vào những thông tin quảng cáo mà các nhà sản xuất đưa ra. Chỉ sau khi mua và sử dụng các phân bón rồi nếu gặp phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng, người dân vỡ lẽ ra thì “cũng đã muộn”.
Để kiểm soát thị trường phân bón cho cây trồng, các lực lượng chức năng cũng đã có nhiều đợt kiểm tra, xử lý về hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón; phát hiện và xử lý một số vụ việc vi phạm.
|
Tiêu biểu như vụ việc xử lý doanh nghiệp Lợi Nông Kon Tum (số 5 Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) vào tháng 9/2017 về hành vi sản xuất kinh doanh phân bón giả. Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đã ra quyết định xử phạt doanh nghiệp này số tiền 275 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 28 tấn phân hữu cơ là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; băng chuyền bằng kim loại phục vụ sản xuất phân bón; đình chỉ toàn bộ hoạt động sản xuất phân bón 18 tháng; buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 17 triệu đồng...
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 200 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp; chưa kể nhiều nhà sản xuất còn trực tiếp mang hàng đến các địa phương giới thiệu, chào bán. Do đó, để giảm bớt sự lộn xộn của thị trường phân bón, các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, các địa phương và các ngành chức năng cũng tăng cường công tác tuyên truyền cho nông dân trong sử dụng phân bón theo đúng tiêu chuẩn, giúp người dân hiểu rõ tính năng, tác dụng của từng loại, để tránh thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và những hệ lụy về môi trường.
Ngọc Thắng