14/01/2017 09:25
Ma trận mật ong rừng
Trước nhu cầu tìm mua mật ong rừng của người dân ngày càng cao, thời gian gần đây, nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh rao bán mật ong rừng với những cách thức ngày càng đa dạng. Từ các quán ăn, nhà dân đến cửa hàng tạp hoá, đâu đâu chúng ta cũng có thể dễ dàng thấy những tấm biển chào hàng “có bán mật ong rừng nguyên chất”. Thậm chí, chỉ cần gõ vào Google cụm từ mua, bán mật ong rừng thì có hàng trăm kết quả rao bán mật ong rừng, trang web nào cũng thấy chào mời là mật ong nguyên chất, mật ong chính hiệu...
Có lần tôi còn gặp cả người dân mang hẳn một bánh tổ ong tới khu vực chợ tự phát sau Quảng trường 16/3 (thành phố Kon Tum) rao bán “mật ong rừng nguyên chất”. Ai mua, người bán mới vắt mật từ bánh tổ ra và còn “khuyến mại” thêm cả một số chú ong non. Chưa hết, gần đây người ta còn chở cả tổ ong rừng còn nguyên mật đựng trong các thùng, xô lớn đi bán dạo...
|
Mật ong rừng cũng được bán với rất nhiều mức giá khác nhau, từ 300.000 đồng/lít, 400.000 đồng/lít, đến 500.000 đồng/lít; thậm chí có những chỗ bán 700.000-800.000 đồng/lít, kèm theo đó là những lời quảng cáo có cánh, nào là: Mật ong rừng nguyên chất, mật ong đảm bảo chất lượng, mật ong rừng cam kết thật 100%, mật ong tinh khiết, mật ong tự nhiên, đặc sản quý hiếm, mật ong được khai thác từ rừng sâu...
Một phụ nữ tên Thái (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) tỉ tê vào tai tôi rằng: Chị bán mật ong rừng thật 100%, chồng chị làm ăn ở bên Lào, ở bên đấy rừng còn nhiều nên sẵn mật ong rừng hơn ở mình, chất lượng mật lại tốt hơn. Em mua đi để dành dùng dần chứ đến lúc cần cũng kiếm đâu ra được.
Điều đáng nói, mật ong rừng được coi như một sản vật đang rơi vào tình trạng khan hiếm mà lại được bán khắp nơi, mua rất dễ dàng đến vậy. Mang thắc mắc này chia sẻ với một anh bạn làm nghề săn mật ong rừng có thâm niên tại Kon Plông, tôi được biết ngay tại vùng rừng núi Kon Plông, mật ong rừng cũng không thực sự có sẵn.
Anh bạn tôi bảo: Vào mùa mật ong khoảng tháng 6, tháng 7 thì ở đây vẫn có nhiều mật ong rừng, nhưng nếu không phải người quen biết hoặc sành về mật ong thì cũng rất dễ mua phải mật ong rừng rởm. Thậm chí, ngay cả khi gặp người dân mặc đồ đi rừng lấm lem bùn đất, trên xe hay sau lưng có gùi tổ ong thì cũng chưa chắc đã là thật bởi có nhiều đối tượng buôn bán từ nơi khác đến thuê người dân ở đây đóng giả người đi rừng lấy mật về để bán cho khách phương xa tới.
Đây cũng không chỉ là câu chuyện riêng ở Kon Plông, mà ở các địa phương được coi là xứ sở của mật ong rừng như Đăk Glei, Tu Mơ Rông thì mật ong rừng cũng không thực sự có nhiều để bán khắp nơi như vậy và câu chuyện mua phải mật ong rừng rởm cũng chẳng phải hiếm.
Theo một số người trong nghề tiết lộ, chiêu thường được người bán dùng nhất là trộn mật ong rừng với mật ong nuôi. Pha như vậy chỉ có người trong nghề mới phân biệt được, còn người bình thường thì vẫn tin đó là mật ong rừng 100%. Nếu chỗ nào quen biết thì họ sẽ nói rõ, còn không thì cứ bán theo giá mật ong rừng. Tất cả như một ma trận đánh đố người tiêu dùng.
Mua bằng niềm tin
Tâm lý người dân ai cũng thích sử dụng mật ong rừng, bởi mọi người luôn có suy nghĩ mật ong rừng tốt, bổ nên thấy quảng cáo mật ong rừng thật là ham.
Thế nhưng, khổ nỗi việc mua mật ong rừng hiện nay của người dân chủ yếu dựa vào niềm tin chứ thực sự không có một công thức để kiểm chứng mật ong rừng thật hay rởm ngoài những kinh nghiệm truyền tai nhau như: nhìn màu sắc, nếm mật để cảm nhận độ đậm và nhạt; nhỏ giọt trên giấy mỏng nếu thấy không thấm là mật thật; lấy que diêm nhúng vào mật ong rừng nhưng quẹt vẫn cháy, để trong tủ lạnh không bị đông... Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ là cảm quan, trên thực tế mật ong rừng thật hay giả thì chỉ có mỗi người bán mới biết.
Anh Trần Quang Nhân (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) kể, có lần anh đi công tác ở huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) gặp một người nông dân đang gùi cả một tổ ong, tin chắc là ong rừng thật, anh mặc cả với giá 500.000 đồng/lít và được người bán vắt ra chai rồi còn khuyến mãi thêm toàn bộ sáp ong.
Khi về đến nhà, anh hí hửng khoe với người thân rằng đây đích thị là mật ong rừng, mua tận gốc. Thế nhưng, khi một người rành mật ong trong gia đình nếm thử thì anh này kết luận “mật nuôi thôi, nếu có mật rừng thì cũng chỉ chút ít”. Anh vừa tiếc tiền, vừa tức vì bị lừa.
Đến ngay cả những người sành mật ong, thậm chí sống ở những vùng đất được coi là thủ phủ của mật ong rừng cũng chưa chắc đã mua được mật ong chính hiệu. Chị Lê Thị Bích Hồng (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei) hí hửng khoe với tôi: Bữa trước chị mua được 10 lít mật ong rừng nguyên chất, để dành dùng dần và biếu cho vài người thân.
Tôi mừng hớn hở khi được chị tặng 1 lít làm quà. Thế nhưng, không ngờ dùng được khoảng 2/3 chai, tôi mới phát hiện thấy ở dưới đáy chai đóng cặn, khi dốc chai đổ mật ra thì từng viên, từng mảng nhỏ cứ thế chảy ra. Thì ra, đó là những mảng đường đọng xuống đáy bởi mật ong bao giờ cũng nhẹ hơn mật đường nên nếu những đối tượng làm giả một cách tinh vi thì khó có thể biết được.
Có thể thấy, những người bán mật ong luôn biết cách tiếp thị để lôi kéo, thuyết phục để người mua yên tâm là hàng thật. Còn người mua thì không phải ai cũng có kinh nghiệm để biết về chất lượng mật ong mà hầu hết chỉ biết tin tưởng vào người bán. Tuy nhiên, với sự chênh lệch lớn về giá cả nên niềm tin của người tiêu dùng nhiều khi bị đặt nhầm chỗ bởi những kẻ lừa đảo tìm mọi cách đánh tráo mật ong nuôi, thậm chí cả mật đường để bán với giá cao ngất ngưởng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá mật ong nuôi nếu mua tại các cơ sở nuôi ong tại huyện Đăk Hà hay thành phố Kon Tum chỉ khoảng 130.000-150.000 đồng/lít, giá bán lẻ dao động từ 200.000 – 250.000 đồng/lít.
Sự lộn xộn, bát nháo của thị trường mật ong rừng thời gian gần đây đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến người nuôi và lấy mật ong rừng chính hiệu. Người tiêu dùng cũng nên cẩn thận, tỉnh táo, trước khi lựa chọn mua mật ong rừng nên tìm mua ở những cửa hàng, địa chỉ có uy tín để tránh “tiền mất, tật mang”.
Thuỳ Hương