24/06/2023 06:18
Đâu là nguyên nhân?
Phải khẳng định rằng, việc còn tồn tại nhiều HTX hoạt động “trên giấy” hoặc ngừng hoạt động nhưng cơ quan quản lý và chính quyền địa phương không biết, không nắm là do thiếu sự quan tâm trong công tác kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, nói về một số HTX hoạt động chưa hiệu quả, hoạt động cầm chừng, thì theo ông Nguyễn Lâm Cảnh- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nguyên nhân là hầu hết các HTX sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, sản xuất chưa gắn với thị trường; chưa liên kết với doanh nghiệp, chưa chủ động vươn lên. Nhiều HTX còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều HTX thì thành viên HĐQT, Ban giám đốc HTX chưa được đào tạo bài bản nên năng lực tổ chức quản lý điều hành còn hạn chế, lại chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm và năng động. Bên cạnh đó, các HTX lại thiếu vốn, trong khi vốn vay ngân hàng khó tiếp cận vì không có tài sản thế chấp. Đây cũng là rào cản khiến HTX chưa hoạt động hiệu quả.
|
Ngoài ra, số lượng HTX tăng nhiều trong những năm qua là việc phát triển HTX được gắn với tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới, do vậy, nhiều HTX thành lập để đủ điều kiện, đủ tiêu chí công nhận xã nông thôn mới. Việc vận động thành lập HTX chưa xuất phát từ nhu cầu của nhân dân nên dẫn đến nhiều HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số HTX chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải- Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), người am hiểu, có thời gian dài nghiên cứu về các HTX trên địa bàn tỉnh ta cho rằng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khá nhiều HTX hoạt động chưa đúng bản chất của HTX; nhiều HTX được thành lập và đang hoạt động thực chất như tổ liên kết, hoặc như một doanh nghiệp nhỏ với số lượng thành viên góp vốn ít. Ngoài ra, hoạt động của HTX chưa có hướng đi cụ thể, chưa sát thực tế và nhu cầu của người dân ở địa phương.
Trên thực tế, đa số các HTX có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, hoạt động đơn điệu, manh mún theo thời vụ, chưa năng động, chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh; hiệu quả hoạt động thấp, chưa chủ động mở rộng hình thức kinh doanh theo hướng đa ngành, đa nghề, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển KTTT, HTX được ban hành nhiều, tuy nhiên, nguồn lực để triển khai còn hạn chế, chưa có một chương trình, dự án riêng nào hỗ trợ cho HTX, nguồn ngân sách thực hiện các chính sách hỗ trợ chủ yếu là nguồn kinh phí lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí sự nghiệp và các nguồn kinh phí vận động khác…Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều HTX trên địa bàn hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng như kỳ vọng.
Cần lắm sự tiếp sức từ nhiều phía
Để giúp HTX vươn tầm, ngành chức năng kiến nghị cần “cởi trói” về vốn, đào tạo nhân lực quản lý và sự tiếp sức từ nhiều phía như cơ quan quản lý, chính quyền địa phương… Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, để HTX phát triển hiệu quả như kỳ vọng, các sở ngành cần giúp các HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm tăng giá trị, mở rộng thị trường, có cơ chế giúp các HTX tiếp cận các chính sách, nguồn vốn ưu đãi; tạo điều kiện hỗ trợ HTX tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, tham gia chương trình kết nối cung cầu giữa các nhà sản xuất, các cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị nhằm giúp các HTX tiêu thụ sản phẩm.
|
Cùng với đó, quan tâm công tác tập huấn về những kiến thức, kỹ năng như: quản lý, điều hành HTX, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, marketing; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm... và tập huấn nâng cao kỹ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, thành viên HTX. Bên cạnh đó, mời gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết, đồng thời, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của người dân thông qua hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp với HTX nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Ngoài ra, các sở ngành, địa phương cần tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Tiến hành rà soát quỹ đất, tạo điều kiện giao đất, cho thuê đất để HTX xây dựng trụ sở làm việc, nhà xưởng, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Ngoài sự tiếp sức từ nhiều phía thì bản thân các HTX cũng phải năng động, làm tốt công tác tổ chức sản xuất và sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng của quốc tế, trong nước. Đồng thời, tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; không ngừng tìm kiếm, liên doanh, liên kết để mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, góp phần tăng nguồn thu nhập cho HTX và xã viên…”- ông Nguyễn Lâm Cảnh cho hay.
Rõ ràng, ngoài việc tạo nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng của Đảng và Nhà nước, thì cũng cần sự tiếp sức từ nhiều phía để tạo điều kiện tốt nhất cho HTX mở lối, hoạt động phát triển mạnh hơn và thực sự hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới hiện nay.
Phúc Nguyên