Lối mở cho xuất khẩu quả tươi

01/02/2024 13:07

Khi đời sống ngày càng nâng cao, con người có nhu cầu quả tươi bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng ngày càng tăng. Từ thực tế đặt ra và cùng với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, những năm gần đây, tỉnh ta phát triển mạnh cây ăn quả. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh phát triển gần 11.000ha cây ăn quả các loại. Việc trồng cây ăn quả gắn với việc xây dựng mã số vùng trồng góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm quả và mở lối xuất khẩu quả tươi.

Từ vùng cây ăn quả ở Hơ Moong

Gần cuối năm, nắng như sánh vàng. Về vùng chuyên canh cây ăn quả xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tôi gặp nhiều vườn cây ăn quả đang trổ bông, vườn cây quả treo lủng lẳng trên cành.

Bí thư Đảng ủy xã Lê Khắc Tuấn cho biết, với việc trồng cây ăn quả, nhiều hộ dân từng bước xây dựng mã số vùng trồng, liên kết sản xuất và mở hướng xuất khẩu quả. Để phát triển mạnh cây ăn quả, xã vận động người dân chuyển đổi đất trồng mì bạc màu, năng suất thấp, cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả và xen canh trong vườn cà phê. Bằng những chủ trương, chính sách phát triển hợp lý, xã Hơ Moong phát triển gần 450ha cây ăn quả các loại, như sầu riêng (186,2ha), chanh dây (59ha), bơ (64ha), chuối (47,5ha), cây có múi (23,6ha). Qua việc phát triển mạnh cây ăn quả, nhiều người dân nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu.

Cây chanh dây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ảnh: VN 

 

Đến thăm vườn chanh dây của ông Nguyễn Duy Kiên ở thôn Tân Sang, chúng tôi thấy quả chanh dây tím (giống Đài Loan) treo lủng lẳng khắp giàn. Trong vườn, ông lắp đặt hệ thống đường dẫn nước, tưới nước bằng béc phun sương. Tuy chỉ trồng 3,5 sào chanh dây vào cuối tháng 3, nhưng nguồn thu từ chanh dây trở thành nguồn thu chính. Tại thời điểm tôi đến, ông thu 3 đợt được 3,5 tấn quả và dự kiến đến hết chu kỳ sản xuất thu hơn 20 tấn quả. Với giá bán bình quân 6 nghìn đồng/kg quả, ông dự thu hơn 120 triệu đồng từ chanh dây.   

“Trồng chanh dây lãi cao hơn nhiều so với trồng mì, bắp, mít... Vườn cây chanh dây đang là nguồn thu nhập chính, giúp gia đình ổn định và nâng cao đời sống. Ngoài chanh dây, gia đình còn trồng xen sầu riêng trong diện tích 1,65ha cà phê. Cây sầu riêng trồng xen cà phê đang phát triển tốt và mở ra triển vọng mới”- ông Kiên bộc bạch.

Cũng ở thôn Tân Sang, ông Nguyễn Công Thụy là người trồng nhiều loại cây ăn quả và cây lấy hạt. Trên 7ha trang trại, có 1,5ha chanh không hạt từ nhiều năm nay cho ông thu nhập khá cao so với cây trồng khác. Cây trồng được sản xuất theo hướng VietGAP, riêng quả chanh dây của gia đình ông được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Mặc dù diện tích chanh dây không chiếm ưu thế, thấp hơn so với diện tích cà phê (cà phê 3,5 ha), nhưng bình quân mỗi năm ông Thụy thu 1 tỷ đồng từ chanh không hạt. Trừ hết các khoản chi phí, ông Thụy lãi ròng 1 tỷ đồng/năm từ nông nghiệp.

Ở vùng đất đang phát triển mạnh cây ăn quả này, cây sầu riêng tuy mới đưa vào sản xuất chưa đầy chục năm trở lại đây, nhưng đang tỏ rõ “đẳng cấp” về cho thu nhập cao trên một đơn vị diện tích. Điển hình là mô hình sầu riêng của ông Nguyễn Văn Niệm (thôn Kơ Bei), Nguyễn Văn Minh (thôn Tân Sang) tuy mới đưa vào kinh doanh, nhưng năm nay thu về từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Trong những năm đến, khi cây sầu riêng ở các vườn phân tán, phân cành mạnh hơn, sản lượng quả nhiều hơn và doanh thu từ sầu riêng sẽ tăng nhiều hơn. 

Lối mở cho cây ăn quả

Cây ăn quả đang trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân ở xã Hơ Moong nâng cao đời sống và làm giàu. Tuy nhiên, từ thực tế sản xuất và nhu cầu đặt ra, đòi hỏi người sản xuất phải liên kết xây dựng mã số vùng trồng, tạo chuỗi cung ứng và đầu ra cho xuất khẩu. 

Trong quá trình sản xuất, so sánh về giá bán, ông Nguyễn Duy Kiên than: “Giá chanh dây ở xã Hơ Moong lúc gia đình bán được 4 nghìn đồng/kg, lúc 10 nghìn đồng/kg. Bình quân qua mấy đợt thu hoạch, giá bán của gia đình chỉ đạt 6 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, cũng cùng sản xuất chanh dây cùng loại ở xã, nhưng có người xây dựng được thương hiệu sản phẩm theo yêu cầu của đối tác, xuất sang châu Âu với giá 20 nghìn đồng/kg. Mong các ngành, các cấp, quan tâm giúp người nông dân liên kết xây dựng mã số vùng trồng chanh dây”.  

Cây sầu riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy và là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ảnh: VN 

 

Còn ông Nguyễn Công Thụy trồng chanh không hạt lại bức xúc: “Với sự quan tâm và giúp đỡ của chính quyền, Hợp tác xã Nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Hợp Tiến do tôi làm giám đốc xây dựng được thương hiệu chanh không hạt đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên, giá bán từ sản phẩm OCOP 3 sao chanh không hạt không chênh lệch mấy so với chanh không hạt chưa được công nhận sản phẩm OCOP. Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Hợp tác xã mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng chanh không hạt để từng bước hướng đến xuất khẩu”.

Hướng đến việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, ông Nguyễn Văn Niệm cùng một số hộ dân chuyên canh sầu riêng thì mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu quả sầu riêng, nâng cao hơn nữa thu nhập trên một đơn vị diện tích. Bởi thực tế cùng sản xuất sầu riêng Dona, nhưng giá sầu riêng chưa xây dựng mã số vùng trồng ở xã Hơ Moong chỉ bán được từ 48-60 nghìn đồng/kg quả, trong khi sầu riêng ông Bùi Văn Quyển ở xã Ya Ly (huyện Sa Thầy) xây dựng mã số vùng trồng bán được trên 74 nghìn/kg quả.  

Ông Nguyễn Hoài Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết, việc cấp mã số vùng trồng cây ăn quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân là để người trồng có ý thức nâng cao chất lượng, giá trị quả tươi, hướng đến xuất khẩu. Ở một số vườn cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng, quả chất lượng, an toàn, phục vụ cho mục  tiêu xuất khẩu, giá quả tươi bán ra thường tăng từ 1,2-1,5 lần so với vườn thông thường. Có hai loại: Mã số vùng trồng theo yêu cầu của nước nhập khẩu (gọi tắt ngoại địa) và mã số vùng trồng không theo yêu cầu của nước nhập khẩu (gọi tắt nội địa).

Điều kiện để được Chi cục cấp mã số vùng trồng (ngoại địa) cho vườn hướng đến mục tiêu xuất khẩu quả là diện tích 10ha trở lên. Trong các vườn trồng hướng đến mục tiêu xuất khẩu quả tươi, nhà vườn sản xuất theo chương trình VietGAP, GlobalGAP… để quả tươi bảo đảm an toàn, sạch cho người sử dụng. Tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh cấp được 21 mã số vùng trồng với tổng diện tích 361,39ha cây ăn quả (sầu riêng, chanh dây, chuối, dứa, mít…), trong đó có 18 mã số vùng trồng xuất khẩu (còn gọi ngoại địa) với diện tích  325,39ha, 3 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa với diện tích 36ha. Đồng thời, cấp 2 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu (đóng gói chuối và đóng gói chanh leo).

Việc cấp mã số vùng trồng là nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản và mở hướng xuất khẩu nông sản.

“Mã số vùng trồng cho cây ăn quả là lối mở cho xuất khẩu quả tươi, đưa quả tươi tỉnh ta vươn ra thị trường thế giới, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt Nam và làm giàu cho chính doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân sản xuất”- Chi cục trưởng Nguyễn Hoài Tâm nhấn mạnh./.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác