Lợi ích từ hóa đơn điện tử xăng dầu

24/03/2024 13:06

Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và tổng hợp dữ liệu gửi về cho cơ quan thuế trong ngày.

Từ ngày 1/7/2022, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán.

Tuy nhiên, ngoài hệ thống cửa hàng thuộc Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng từ ngày 1/7/2023, vẫn còn nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong triển khai.

Qua ghi nhận, băn khoăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến nay vẫn là vấn đề chi phí.

Muốn triển khai hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp tư nhân phải có tài chính, cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm, trang bị máy móc, thiết bị tương thích để xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng. Đây là một khoản đầu tư không nhỏ.

Trong khi đó, đa số người dân, khi mua lẻ xăng dầu, đều không có nhu cầu lấy hóa đơn. Vì vậy, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu đề nghị, đối với khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì nên cho phép  xuất hóa đơn gộp một lần vào cuối ngày để tiết kiệm chi phí, thay vì phải xuất hóa đơn cho tất cả lượt khách hàng.

Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán trên toàn hệ thống. Ảnh: H.L

 

Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán.

Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử khi bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh; đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Đối với khách hàng không lấy hóa đơn, đơn vị kinh doanh xăng dầu bắt buộc phải lập hóa đơn. Lập hóa đơn sẽ được thực hiện thông qua phần mềm hóa đơn điện tử do các đơn vị cung cấp được Tổng cục Thuế thẩm định trước đó. Hóa đơn đã xuất sẽ được lưu trữ bằng dữ liệu điện tử, không cần in ra tại khu vực kinh doanh xăng dầu.

Ông Võ Duy Tuấn- Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhìn nhận, phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đem lại nhiều lợi ích.

Trước hết, đối với doanh nghiệp, góp phần giảm thủ tục hành chính liên quan đến hóa đơn, giảm chi phí lưu trữ hóa đơn và rủi ro mất hóa đơn; tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.

Về phía khách hàng, sẽ dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử (qua email, trang web…); không mất thời gian chờ lấy hóa đơn hay lo giữ hóa đơn để thanh toán như trước đây; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy, tạo sự yên tâm cho người mua.

Bên cạnh đó, có tác động đến đời sống xã hội, như tiết kiệm chi phí, tài nguyên; bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; chuyển đổi cách thức phục vụ người dân theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi.

Cũng có những ý kiến bày tỏ lo ngại về việc yêu cầu các cây xăng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng gây lãng phí và ách tắc, mất thời gian khách hàng bởi phải chờ lấy hóa đơn, thay vì “đổ xăng xong là chạy vèo đi”.

Nhưng từ thực tế triển khai trên hệ thống cửa hàng của Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum, ông Võ Duy Tuấn đánh giá việc lập hóa đơn điện tử là sau mỗi lần bán hàng không gây lãng phí và không mất thời gian của khách hàng, mà vẫn đảm bảo tuân thủ quy định; dễ dàng lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Lý do là hóa đơn điện tử được xuất theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng hóa đơn điện tử đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra) tại các cửa hàng xăng dầu.

Theo nhân viên của một cây xăng trên đường Phan Đình Phùng, trên thực tế, sau khi đổ xăng, với khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn thì khách hàng sẽ nhận được hóa đơn điện tử về hộp thư điện tử của mình để có thể rà soát thông tin.

Với những khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì hệ thống ứng dụng phần mềm hóa đơn điện tử tự động lập hóa đơn và lưu trữ dưới hình thức điện tử (không phải in ra) và truyền về cơ quan thuế theo bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử từng mặt hàng bán trong ngày.

Vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán. Ảnh: HL

 

Ngày 6/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm ký ban hành Quyết định số 110/QĐ-UBND thành lập Tổ liên ngành làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu về triển khai, phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.

Tổ liên ngành có nhiệm vụ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực tế việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; thực tế hạ tầng kỹ thuật; mức độ khả năng đáp ứng việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của tất cả cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu tại địa phương.

Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả thúc đẩy các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thực hiện được việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.

Động thái này cho thấy sự quyết liệt của tỉnh trong nỗ lực vì mục tiêu chung là tạo môi trường minh bạch trong kinh doanh xăng dầu,  thúc đẩy chuyển đổi số trong cuộc sống. 

Như đã nói ở trên, xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán không chỉ giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiểm soát được tình trạng mua bán mà còn giúp khách hàng được kiểm soát thông tin hóa đơn ngay sau khi đổ xăng.

Từ đó tăng cường kiểm soát, quản lý doanh thu, đảm bảo thu thuế, môi trường kinh doanh minh bạch nhằm mục đích tăng ngân sách nhà nước.

Do đó, để đáp ứng mục tiêu này, bên cạnh sự quyết tâm của ngành chức năng thì cần có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, của chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận của người tiêu dùng.

Hồng Lam

Chuyên mục khác