22/11/2017 18:01
Trước đây, cũng như nhiều hộ nông dân trong làng, gia đình ông Phạm Đình Dũng chỉ trồng thuần cà phê trên diện tích hơn 3.000m2. Năm 2005, khi giá cà phê xuống thấp, ông đã nghĩ đến việc chuyển đổi trồng cây ăn trái thay cho cà phê. Tuy nhiên, chặt cà phê thì tiếc, ông tính cứ trồng xen canh rồi sau này cây lớn sẽ quyết định.
Vậy là ông gửi người mua 11 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép ở tận Bến Tre về trồng. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, tìm hiểu, ông Dũng nhận thấy cây sầu riêng không làm ảnh hưởng gì tới sự phát triển của cây cà phê, vì vậy ông quyết định giữ lại cả hai loại cây trồng. Đáng nói hơn, cả hai loại cây đều cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, mang lại lợi ích kinh tế kép cho gia đình ông Dũng.
|
Ông Phạm Đình Dũng chia sẻ: Lúc đầu, tôi chỉ tìm thử một loại cây trồng mới xem sao thôi. Không ngờ, cây hợp đất nên phát triển rất tốt, 4 năm sau, những cây sầu riêng bắt đầu cho trái bói, đến năm thứ 5 cho thu quả ổn định. Tuy nhiên, do ban đầu chưa nắm rõ kỹ thuật nên mặc dù cây ra rất nhiều trái nhưng tỷ lệ đậu quả không cao, khi chín bị sượng và chỉ chín ồ ạt vào giữa mùa nên không bán được giá. Đến năm 2011, tôi nhờ con trai lên internet tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, cách can thiệp để quả ra sớm, đậu nhiều, chín đều... và áp dụng vào quá trình chăm sóc. Từ đó, vườn sầu riêng cho ra quả nhiều, quả nhỏ cũng được vài ký, quả to lên tới 5-6kg, sầu riêng chín sớm nên bán rất được giá. Năm ngoái, giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 80 triệu đồng tiền sầu riêng; năm nay, giá bán thấp nhất 45.000 đồng/kg, giá cao nhất tới 90.000 đồng/kg, tôi bán được 120 triệu. Cá biệt, có một cây thương lái mua trọn gói 20 triệu đồng.
Mấy năm nay, tên tuổi sầu riêng nhà ông Dũng được nhiều người sành ăn biết đến. Nhiều người tìm đến tận nhà ông mua hoặc gọi điện thoại đặt hàng rồi ông Dũng mang giao tận nơi. Điều đặc biệt khiến sầu riêng nhà ông Dũng được nhiều người nhớ tới đó là ông luôn để sầu riêng chín rụng tự nhiên, không bao giờ cắt sớm; ông cũng chỉ bán khi quả chín vừa đủ.
Dẫn tôi thăm vườn cà phê trĩu quả xen lẫn những cây sầu riêng to bự, cao vút bắt đầu ra trái non đầy cành, ông Dũng chỉ: Cô thấy không, cà phê không những không bị ảnh hưởng mà còn nhiều quả hơn khi trồng độc canh vì chúng được hưởng cả phần dinh dưỡng khi bón cho sầu riêng. Những cây sầu riêng cũng được hưởng lợi khi mình chăm sóc cà phê nên có thể nói việc xen canh là nhất cử lưỡng tiện. Với tôi, sầu riêng là cây xen canh nhưng giờ lại là cây cho thu nhập chính, hiệu quả gấp 2- 3 lần so với cà phê.
Với thành công từ vườn sầu riêng xen canh, từ năm 2012- 2013, ông Phạm Đình Dũng mạnh dạn tiếp tục mở rộng mô hình xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê của gia đình mình. Tuy nhiên, dù sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng ông không chăm chăm vào một loại cây, mà lần này ông Dũng lại thử sức với cây bơ sáp trên diện tích hơn 4.000m2 cà phê. Năm ngoái, những cây bơ đầu tiên đã cho thu bói; năm nay, hầu hết vườn bơ đều cho thu quả.
Ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm: Để xen canh có hiệu quả thì phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu cắt tỉa cành, phân chia ánh sáng hợp lý cho tất cả các loại cây. Cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sáng trung bình, vì vậy, khi trồng xen sầu riêng, bơ với tỷ lệ phù hợp sẽ không khó trong việc điều chỉnh ánh sáng hài hòa cho cả 3 loại cây. Trong đó, cây sầu riêng, cây bơ sẽ giúp chắn gió và che bóng cho cà phê; tiết kiệm được lượng nước tưới trong mùa khô. Song điều quan trọng nhất trong việc trồng xen này là giúp cho mình tránh được thua lỗ khi độc canh một loại cây trồng, phòng trường hợp giá cà phê xuống thấp mình vẫn có nguồn thu từ các loại cây trồng khác. Hơn nữa, hiện nay, giá các loại trái cây sầu riêng, bơ, luôn khá cao và ổn định nên thu nhập còn vượt trội hơn nhiều.
Thấy được hiệu quả kinh tế của việc xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê của cha mình, chị Phạm Thị Lượm - con gái ông Dũng cũng học tập và làm theo. Tuy nhiên, điểm khác của vườn cà phê trồng xen cây ăn trái của nhà chị Lượm là trong cùng vườn cà phê, chị trồng xen cả sầu riêng và bơ chứ không chỉ xen 1 loại bơ hoặc sầu riêng như của ông Dũng. Với khoảng 20 cây sầu riêng năm nay cho thu bói, chị Lượm cũng đã thu về gần 30 triệu đồng, từ sang năm, bơ cũng bắt đầu cho thu quả.
Có thể nói, trồng cây ăn trái xen trong vườn cà phê là một phương thức đa dạng hoá cây trồng hay, tiết kiệm đất canh tác, cho hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một trong những hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân giảm thiểu nguy cơ mất mùa do độc canh một loại cây trồng, tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.
Thiên Hương