Lối đi nào hiệu quả cho cây ăn quả?

09/11/2023 13:09

Những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Nhờ đó, diện tích và sản lượng cây ăn quả trên địa bàn tăng mạnh. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nên vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nhằm phát huy lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng trong phát triển nông nghiệp, nhất là cây ăn quả, ngày 25/11/2021 BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu. Thực hiện theo Nghị quyết này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chủ động tuyên truyền vận động các hộ gia đình cá nhân và các doanh nghiệp sản xuất trái cây áp dụng quy trình trồng trọt cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap, hữu cơ Organic. Đồng thời, thông qua nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ khuyến nông, ngành nông nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn; tổ chức các lớp tập huấn để người dân nắm bắt và áp dụng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả có chất lượng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đưa vào sản xuất, tập trung chủ yếu trên các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, chuối, xoài, cây có múi, chanh dây.

Đăk Tô đang phát triển diện tích chanh dây. Ảnh: HN

 

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 10.000ha cây ăn quả. Trong đó, một số loại cây ăn quả có diện tích lớn như sầu riêng khoảng 1.600ha, diện tích cho thu hoạch 520ha, năng suất 180,0 tạ/ha, sản lượng 93.600 tấn; mít  gần 930ha, diện tích cho thu hoạch gần 250ha, năng suất 87 tạ/ha, sản lượng 21.402,0 tấn; bơ  gần 580ha, diện tích cho thu hoạch 326ha, năng suất 80,0 tạ/ha, sản lượng 26.080 tấn; cây có múi hơn 1.000ha, diện tích cho thu hoạch 550ha, năng suất 56,6 tạ/ha, sản lượng 3.111,0 tấn; chuối 1.678,1ha, diện tích cho thu hoạch 1.229,0ha, năng suất 120,0 tạ/ha, sản lượng 147.480,0 tấn; chanh dây 507,8ha, diện tích cho thu hoạch 266,8ha, năng suất đạt 161,0 tạ/ha, sản lượng 30.800,0 tấn; xoài 277,2ha, diện tích cho thu hoạch 155,0ha, năng suất 92,6 tạ/ha, sản lượng 14.319,9 tấn và cây ăn quả khác 2.780ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, sản lượng các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh hiện nay còn thấp, chưa ổn định, tập trung thu hoạch chủ yếu vào chính vụ, giá bán thấp, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến trái cây nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, giá cả không ổn định, trong khi đó, công nghệ sau thu hoạch chưa được đầu tư đúng mức, nên việc phân loại, làm sạch, đóng gói, tồn trữ, xử lý các đối tượng sâu bệnh sau thu hoạch chưa thực sự mang lại hiệu quả. Ngoài ra, diện tích trồng cây ăn quả còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung; năng suất còn thấp; sản phẩm thu hoạch cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, một số ít xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Vườn trái cây sạch của HTX Đoàn Kết, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Ảnh: HN

 

Theo ông Nguyễn Hoài Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, để cây ăn quả mang lại hiệu quả, góp phần vào nâng cao thu nhập thì người dân nghiên cứu, lựa chọn đối tượng cây ăn quả có lợi thế xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, phù hợp thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất tại các vùng, tiểu vùng trên địa bàn tỉnh để xây dựng quy hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực của từng địa phương. Mỗi huyện, thành phố ưu tiên lựa chọn một đến hai loại cây ăn quả chủ lực gắn với quy hoạch vùng trồng và vận động, khuyến khích nông dân tích tụ, dồn đổi ruộng đất xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung để thuận lợi xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm cây ăn quả.

Cùng với đó, cần tổ chức lại sản xuất, vận động nông dân tham gia liên kết hình thành hợp tác xã, sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cải tiến toàn diện và mạnh mẽ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân từ khâu sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu, đặc biệt là cơ chế tích tụ ruộng đất, phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực, bảo quản, chế biến từ đó, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống.                      

Hà Nam

Chuyên mục khác