Linh hoạt chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước

22/08/2017 07:06

​Chủ trương chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước kém hiệu quả sang cây trồng cạn của tỉnh bước đầu được triển khai đã cho thấy lợi ích. Ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới, đây còn là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình hình hạn hán, đảm bảo thu nhập cho bà con nông dân. Để mô hình này mang lại hiệu quả cao hơn, cùng với ngành Nông nghiệp, người dân đang từng bước linh hoạt hơn trong việc lựa chọn cây trồng.

Hiệu quả bước đầu

Trong vụ đông xuân 2016 – 2017, toàn tỉnh có 394,5ha đất trồng lúa thiếu nước ở địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy và huyện Đăk Hà được chuyển đổi sang trồng mì. Mặc dù mì là một loại cây trồng quen thuộc với bà con nông dân, nhưng trồng mì trên chân đất mới, canh tác theo phương thức mới thì lại khá xa lạ với họ, nên ở một số nơi hiệu quả chưa như mong đợi. Tuy nhiên, công bằng mà nói, ở những vùng mà nông dân chăm chút, ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Tiêu biểu như tại Sa Thầy, toàn huyện có 615 hộ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ trồng gần 100ha mì trên những chân ruộng vốn thường xuyên bị hạn hán trong các vụ đông xuân trước đây, sản xuất lúa rất bấp bênh. Sau hơn 7 tháng xuống giống, đến nay, phần lớn diện tích mì đã được thu hoạch, bình quân năng suất đạt từ 2,2 - 2,5 tấn/sào, mì thu hoạch đến đâu nông dân chở đến nhà máy tinh bột sắn Sa Bình và được thu mua hết đến đó.

Trồng mì trên đất lúa thiếu nước là giải pháp giúp nông dân né hạn. Ảnh: T.H

 

Tại thành phố Kon Tum, vụ đông xuân 2016 – 2017 này, thành phố cũng đã chuyển đổi 200ha sang trồng mì. Hiện nay một số diện tích đã thu hoạch cho sản lượng khoảng 2,5 tấn/sào.

Không chỉ tránh được hạn, so với trồng lúa, việc trồng mì giống mới theo kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao có phần vượt trội hơn về hiệu quả kinh tế. Năm nay giá mì không cao, hiện tại giá bán 1.300 - 1.350 đồng/kg, trồng mì vẫn giúp cho nông dân thu nhập khá, sau khi trừ chi phí vẫn thu lãi từ 2,2– 2,5 triệu đồng/sào.

Không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ngành Nông nghiệp và các địa phương còn hỗ trợ nông dân về thị trường bao tiêu sản phẩm, nên mì thu hoạch đến đâu được các nhà máy thu mua đến đó với giá cả hợp lý.

Linh hoạt trong chuyển đổi

Việc chủ động chuyển diện tích đất lúa thiếu nước sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế có thể nói là giải pháp “đón đầu” hợp lý tránh tình trạng bỏ phí đất sản xuất hoặc canh tác kém hiệu quả. Thời gian qua, cùng với sự định hướng của ngành chức năng, người dân ở một số nơi đã vận dụng những kinh nghiệm sản xuất của mình chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Tại xã Sa Bình, trước đây, tại các chân ruộng, hầu như người dân đều trồng lúa hai vụ, nhưng do không chủ động được nước tưới nên năng suất luôn bấp bênh, nếu chân ruộng nào cao quá thì trồng một vụ lúa còn lại bỏ không một vụ. 2 năm trở lại đây, bà con nông dân đã quyết định chuyển chân ruộng thiếu nước sang trồng một vụ lúa, một vụ mì.

Theo Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Minh Thuận, trồng mì ít tốn công, vốn đầu tư thấp, chịu được nắng hạn tốt, lại phù hợp với chân đất nơi đây nên hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân mỗi sào ruộng nông dân cũng thu lãi từ 2,5 – 3 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, một số diện tích còn được chuyển hẳn sang trồng cỏ nuôi bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế vượt trội.

Tại phường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum), phát huy lợi thế về thị trường tiêu thụ, người dân lại chọn hướng chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng rau an toàn. 9 hộ dân với hơn 2ha đất ruộng thuộc khu vực cao, hàng năm chỉ canh tác được một vụ lúa còn lại phải bỏ đất trống, hơn 1 năm qua đã tìm được một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đoàn Năng Rường - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trên diện tích đất lúa thiếu nước, ngoài việc chuyển đổi sang trồng một vụ lúa, một vụ mì, người dân đang có những lựa chọn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả hơn. Chẳng hạn như trên một số chân ruộng, người dân đã cân nhắc và có hướng chuyển hẳn sang thâm canh mì. Bên cạnh đó, hiện nay, chúng tôi cũng đang có hướng hỗ trợ nông dân chuyển một số diện tích sang trồng bắp lấy thân bán cho Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen để làm thức ăn cho gia súc. Cây bắp lấy thân có lợi thế là dễ trồng, không lo đến năng suất và lại nhanh được thu nên không ảnh hưởng gì tới sản xuất của vụ mùa. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu từng chân đất, vị trí để có định hướng giúp nông dân lựa chọn cây trồng phù hợp hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thực tế những năm qua, sản xuất ở nhiều địa phương, khi hạn hán diễn ra, nhiều diện tích lúa đến giai đoạn làm đòng, trổ bông bị thiếu nguồn nước tưới dẫn đến tình trạng mất mùa, nông dân vừa mất công chăm bón, vừa mất chi phí đầu tư. Trong khi đó, nếu thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp sẽ giúp người dân chủ động và an toàn trong sản xuất, hiệu quả kinh tế cao hơn khi trồng lúa trong điều kiện thiếu nước tưới. 

Để ứng phó với hạn hán, việc lựa chọn giống cây trồng cạn phù hợp để chuyển đổi là rất cần thiết. Để hướng đi này thực sự hiệu quả, các cấp, các ngành cũng cần tập trung vận động, tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích của việc làm này; đồng thời, việc linh hoạt trong chuyển đổi, tích cực tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm từ cây trồng chuyển đổi... cũng là vấn đề hết sức quan trọng.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác