Liên kết trồng nghệ sạch

23/12/2016 09:15

Được sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, lần đầu tiên, 56 hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS ở các thôn 10,11,12 của xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy) đã trồng 5,7ha nghệ. Sinh trưởng, phát triển tốt và dự kiến cho năng suất cao, mô hình trồng nghệ vàng sạch này đã mở ra hướng đi thoát nghèo mới cho người dân nơi đây.

Đến thăm gia đình anh A Kiên – một hộ nghèo ở thôn 10, chúng tôi cảm nhận được niềm tin và sự phấn khởi của anh khi nói về mô hình trồng nghệ vàng sạch mà lần đầu tiên anh tham gia này.

Anh chia sẻ: “Ban đầu, gia đình tôi cũng lo lắm, vì trồng mỳ, trồng lúa thì bao nhiêu năm rồi, còn trồng nghệ, mà lại là nghệ sạch thì đây là lần đầu tiên. Cũng bỡ ngỡ lắm nhưng may là được cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ giống, phân bón, gia đình tôi cứ thế mà làm theo. Vậy là hai khoảnh đất phía sau lưng nhà bấy lâu nay vẫn để không nay tôi để dành trồng nghệ”.

A Kiên bên vườn nghệ của gia đình. Ảnh: Bình An

 

“Xuống giống từ tháng 5/2016, hơn 1 sào nghệ của nhà tôi phát triển xanh tốt, cây nào cây nấy đều tăm tắp. Nay cây bắt đầu rụi lá, dồn sức cho củ, khoảng Tết này là thu được. Lấy theo mức giá 5.000 đồng/kg, gia đình sẽ có thêm gần 10 triệu đồng sắm sửa Tết” – anh Kiên phấn khởi.

Theo anh Kiên, vì là mô hình trồng nghệ sạch nên gia đình anh tuân thủ đầy đủ các quy định. Trong suốt quá trình từ khi làm đất cho đến xuống giống, chăm bón, gia đình anh tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào; về phân bón thì bón phân vi lượng do dự án hỗ trợ theo đúng liều lượng, thời điểm.

Cũng như gia đình anh A Kiên, anh A Thái – hộ cận nghèo ở thôn 11 đã trồng 1,5 sào nghệ trên diện tích đất trồng mỳ lâu năm nay đã bạc màu. Tham gia mô hình, anh cũng như những hộ dân khác được hỗ trợ 100% giống, phân bón và được tư vấn cách trồng, chăm sóc nghệ đúng quy trình kỹ thuật.

Anh A Thái vui khi mô hình mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Bình An

 

Anh Thái bộc bạch: Tôi chưa trồng nghệ bao giờ nhưng được cán bộ hướng dẫn và được dự án hỗ trợ trong một chu kỳ (từ khi trồng đến thu hoạch gần 1 năm) thì tôi thấy trồng nghệ cũng không quá khó. Mặc dù chưa đến ngày thu hoạch nhưng tôi đã kiểm tra thử, hiện tại, mỗi gốc nghệ của gia đình tôi thu được khoảng 0,8kg. Nhưng tôi biết có những gia đình chăm sóc tốt phải gấp đôi gia đình tôi, 1,5kg/gốc đấy.

Điều khiến anh Thái, anh Kiên và các hộ dân tham gia mô hình trồng nghệ ở Đăk Ruồng yên tâm, vui mừng hơn cả là tới đây, khi thu hoạch, toàn bộ số củ nghệ sẽ được thu mua với mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg và có khả năng sẽ cao hơn nữa. “Bà con chúng tôi ai cũng mừng. Thu xong, tôi sẽ tiếp tục trồng trong vụ tới” – anh Thái hồ hởi.

Giải thích thêm về việc toàn bộ số củ nghệ bà con trồng ra được bao tiêu, ông Đinh Ngọc Hải – Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho hay: Khi tham gia mô hình, 56 hộ nghèo, cận nghèo ở Đăk Ruồng được hỗ trợ trồng trọt, chăm sóc trong cả một chu kỳ và được bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt là ngay khi mới triển khai, chúng tôi đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Dược liệu Đam San thu mua toàn bộ sản phẩm để làm dược liệu (tinh dầu nghệ, tinh bột nghệ…).

Mức giá sàn được Công ty thu mua là 5.000 đồng/kg - cho dù giá thị trường có thấp hơn thì vẫn giữ nguyên mức giá thu mua đó. Còn nếu như giá trên thị trường tăng 10% trở lên thì giá thu mua sẽ được điều chỉnh. Bà con vì thế mà rất yên tâm về đầu ra, không lo chịu thiệt.

Ông Đinh Ngọc Hải nói rằng, cây nghệ vàng trước đây chủ yếu trồng lẻ tẻ trong vườn nhà của một số gia đình người Kinh ở đây chỉ để làm thực phẩm, không ai nghĩ đến việc sản xuất quy mô lớn. Còn bà con dân tộc thiểu số ở xã thì hầu như chưa ai trồng và cũng không mấy quan tâm đến chất lượng giống, quy trình canh tác.

“Mô hình trồng nghệ sạch này phù hợp với đồng đất, khí hậu ở địa phương, dự kiến năng suất đạt 18-20 tấn/ha; chất lượng, hàm lượng Curcumin cao. Bởi vậy, tiềm năng mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng nghệ ở Đăk Ruồng là rất lớn. Trên cơ sở nghiên cứu thị trường và điều kiện tự nhiên của địa phương, nếu đầu ra tiếp tục ổn định, xã sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác” – ông Hải cho biết.

Bình Toàn – Bình An

Chuyên mục khác