21/05/2024 14:08
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 HTX và 150 tổ hợp tác với số lượng 5.000 hộ đồng bào DTTS tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Các chuỗi liên kết sản xuất có người đồng bào DTTS tham gia đã đóng góp rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Trong đó, có khoảng 20 mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp của người DTTS tham gia đạt hiệu quả cao, mang lại giá trị cao và giúp nâng cao đời sống cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) là địa phương có nhiều diện tích liên kết trồng mía với Công ty Cổ phần Đường Kon Tum, với 115 hộ người Xơ Đăng, liên kết trồng hơn 33ha mía. Liên kết với Công ty, người dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Bên cạnh đó, bà con còn được Công ty đầu tư không thu hồi về cày đất, hỗ trợ từ 20 đến 25 tấn phân bã bùn/ha tại Công ty; đầu tư có thu hồi và tính lãi theo lãi suất cho vay cùng thời điểm về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức quy trình sản xuất mía của Công ty; giá bảo hiểm mía nguyên liệu đạt trữ lượng đường từ 10% trở lên là 800-1.000 đồng/kg (tùy theo thời điểm). Nhờ vậy, nên người nông dân rất yên tâm về đầu ra sản phẩm, có nguồn thu nhập ổn định để thoát nghèo.
|
Theo lãnh đạo UBND xã Đăk Trăm, trong niên vụ 2023-2024, năng suất mía đạt từ 70-80 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 40-55 triệu đồng/ha. Có đầu ra ổn định, lợi nhuận cao, người dân tham gia liên kết trồng mía rất yên tâm, nhiều hộ gia đình đã được nâng cao mức sống, thoát nghèo. Điều này đã góp phần rất tích cực trong việc đẩy nhanh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đến cuối năm 2023, xã đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó, có một số tiêu chí khó như tiêu chí thu nhập cũng đã đạt (thu nhập bình quân đầu người của xã cuối năm 2023 đạt 47 triệu đồng/năm). Để hoàn thành các tiêu chí còn lại, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024 theo lộ trình đặt ra, xã Đăk Trăm tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình liên kết trồng mía, trồng dứa, ký kết bao tiêu sản phẩm để người dân có nguồn thu ổn định, thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, trong 19 tiêu chí thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí 13) có vai trò hết sức quan trọng. Để đạt chuẩn nông thôn mới, xã phải có hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Do đó, vai trò của các tổ chức kinh tế hợp tác mà cụ thể là vai trò của hợp tác nông nghiệp và sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp mà nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang triển khai là rất quan trọng, vừa hỗ trợ để thực hiện những tiêu chí cần đạt được, vừa là điều kiện cần thiết nhằm phát huy nội lực của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông (xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông) đã liên kết với 30 hộ dân trên địa bàn tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đẳng sâm và các loại dược liệu khác với quy mô khoảng 20 ha. Qua liên kết, người Xơ Đăng ở xã Ngọc Lây được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và được bao tiêu sản phẩm nên rất phấn khởi.
|
Ông A Quy (ở thôn Đăk Kinh 1, xã Ngọc Lây) phấn khởi kể, gia đình ông có khoảng 4 sào đảng sâm, từ khi liên kết với Hợp tác xã đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ phân bón để có sản phẩm chất lượng đảm bảo và được bao tiêu sản phẩm từ lá đến củ nên rất yên tâm. Cũng nhờ đó, năm vừa qua, gia đình đã thu được hàng triệu đồng từ đẳng sâm nên đời sống được cải thiện và nâng cao.
Ông Nguyễn Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết, việc Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông được thành lập và đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ các loại dược liệu đã góp phần tích cực vào việc giúp xã đạt chuẩn tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí còn lại như thu nhập, hộ nghèo.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 207 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và trong đó có khoảng 5 nghìn hộ DTTS tham gia trong 50 hợp tác xã và 150 tổ hợp tác. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã triển khai các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo mà còn trích các nguồn quỹ cùng chính quyền địa phương tham gia đầu tư công trình hạ tầng nông thôn và các hoạt động xã hội như xây dựng công trình giao thông, công trình hạ tầng văn hoá xã hội, quỹ tình nghĩa, xây nhà đại đoàn kết.
Thực tế từ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đạt nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cho thấy, hiệu quả từ các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với người nông dân góp phần quan trọng trong việc triển khai, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các mô hình liên kết đã tạo sự gắn kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và tích lũy từ hoạt động sản xuất đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn. Các mô hình liên kết còn phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây là một yếu tố và động lực quan trọng góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
(còn nữa)
Phúc Nguyên