Liên kết để phát triển bền vững - Kỳ II: Đôi bên cùng có lợi

21/05/2024 06:23

Việc tỉnh ta đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế và giúp đôi bên (người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã) cùng được hưởng lợi.

Thấy rõ lợi ích từ liên kết sản xuất nông nghiệp, người nông dân trên địa bàn tỉnh khi được tuyên truyền, vận động đều tích cực tham gia.

Ông A Hưih (thôn 5, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) tâm sự: Gia đình tôi có 1,5ha cà phê. Trước đây do thiếu chăm sóc, ít bón phân theo đúng chu kỳ nên năng suất cây trồng rất thấp, mỗi năm chỉ thu được khoảng 15 tạ/ha. Từ khi tham gia liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đông (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô), được hợp tác xã hỗ trợ phân bón, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc sản phẩm cà phê theo hướng an toàn nên toàn bộ diện tích cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao hơn, đến nay đạt hơn 20 tạ/ha. Sản phẩm làm ra cũng được hợp tác xã thu mua toàn bộ theo giá thị trường nên gia đình tôi cũng như một số gia đình khác tham gia liên kết với hợp tác xã rất yên tâm.

Ông Nguyễn Ngọc Đông- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đông cho biết, hiện, hợp tác xã đã phát triển được 25ha cà phê, 10ha cao su, 5ha cây ăn quả. Ngoài ra, còn liên kết với 2 tổ hợp tác phát triển được gần 100ha cà phê ở 3 xã của huyện Đăk Tô là xã Diên Bình, Tân Cảnh và Pô Kô, phần lớn là hộ đồng bào DTTS. Khi tham gia liên kết, các thành viên và hộ dân liên kết đều được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón, yên tâm về đầu ra, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ đồng bào DTTS.

Liên kết sản xuất nông nghiệp không chỉ mang lại nguồn lợi cho người nông dân trong thay đổi tư duy sản xuất, yên tâm đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập mà các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng yên tâm và đảm bảo được nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định, đồng thời, tạo tiền đề để hình thành sản xuất lớn.

Hình thành từ năm 2012 với 7 thành viên góp vốn ban đầu, đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Sáu Nhung (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) đã có 32 thành viên chính thức và liên kết 81 hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê với diện tích 300ha, sản lượng hàng năm 1.000 tấn/năm.

Mô hình liên kết trồng sâm Ngọc Linh mang lại hiệu quả. Ảnh: PN

 

Ông Nguyễn Tri Sáu- Giám đốc Hợp tác xã cho rằng, xu thế của thị trường là phải xây dựng những kho hàng lớn cũng như chất lượng cà phê phải đạt chuẩn để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe. Chính vì vậy, tôi và các thành viên khác cùng bàn bạc và thống nhất phải liên kết với các hộ dân để mở rộng vùng nguyên liệu, tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, về phía người dân, khi tham gia liên kết đã khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tiếp cận được kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến chuyên sâu. Về phía hợp tác xã, không chỉ chú trọng khâu sản xuất mà còn cả thu hoạch, sơ chế, chế biến và tìm thị trường tiêu thụ nên khi liên kết với người dân đã tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai để sản xuất lớn.

Cũng theo ông Sáu, Hợp tác xã cam kết bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia liên kết nên toàn bộ hộ dân liên kết với Hợp tác xã đều rất trách nhiệm, giữ chữ tín, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

Tại huyện Tu Mơ Rông, ngoài thành công từ mô hình liên kết trồng sâm Ngọc Linh, các mô hình liên kết trồng các loại cây dược liệu khác như sâm dây, sơn tra, lan kim tuyến và các loại gừng, nghệ, bưởi đã tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Ông Hà Văn Phương- Giám đốc Hợp tác xã Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, 3 năm nay, đơn vị liên kết trồng nghệ, gừng, chanh, bưởi trên cánh đồng mẫu lớn rộng 20ha với 37 hộ dân đồng bào Xơ Đăng tham gia. Hợp tác xã cung ứng giống, người dân góp đất và sản phẩm được bao tiêu. Sản phẩm được Hợp tác xã thu mua luôn cao hơn giá bán ngoài thị trường. Trong 2 năm 2022-2023, Hợp tác xã đã thu mua 36 tấn nghệ, gừng, chanh, bưởi của dân để chế biến sâu, phục vụ xuất khẩu sang Châu Âu.

“Hợp tác xã có kế hoạch, từ đây đến năm 2025, sẽ mở rộng liên kết với người dân trên diện tích 100ha. Bên cạnh đó, sẽ đặt thêm nhà máy tại Kon Tum để tăng khả năng chế biến, phục vụ xuất khẩu. Trong mối liên kết này, người dân vẫn giữ vai trò trung tâm, sẽ hưởng lợi lớn, bền vững khi tham gia chuỗi sản xuất này”- ông Phương nói.

Liên kết sản xuất chè ở HTX Chè sạch Đông Trường Sơn. Ảnh: P.N

 

Tương tự tại huyện Kon Plông, hiện, trên địa bàn huyện có 1 liên kết theo chuỗi giá trị về trồng, khai thác, chế biến sản xuất phân phối tiêu thụ sản phẩm chè xanh và chè Ô Long giữa Hợp tác xã Chè sạch Đông Trường Sơn và xã Hiếu, Pờ Ê. Hợp tác xã này đã xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy sơ chế sản phẩm chè xanh tại thôn Tu Cần (xã Hiếu), đến nay đã xuất khẩu 10 tấn ra thị trường thế giới, đem lại lợi nhuận cho Hợp tác xã và thu nhập ổn định cho người nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, từ nguồn lực 3 chương trình MTQG, ngành và các địa phương đã lồng ghép thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất đi đôi với xây dựng các chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, các hộ đồng bào DTTS tham gia các tổ, chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp được Nhà nước hỗ trợ về tập huấn tư vấn kỹ thuật, một phần cây con giống và vật tư nông nghiệp, vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Việc thúc đẩy liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo thuận lợi cho các cấp, các ngành trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, các chính sách hỗ trợ, giúp người nông dân tiếp cận được phương thức sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra và các doanh nghiệp, hợp tác xã đảm bảo được nguồn nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh, ngày càng phát triển. 

(còn nữa)

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác