Liên kết để phát triển bền vững - Kỳ I: Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

20/05/2024 13:23

Xác định liên kết là chìa khóa giúp xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nhất là đối với một tỉnh nông nghiệp như tỉnh ta, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, định hướng cụ thể thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nông nghiệp.

Với sự quan tâm, hỗ trợ từ các nguồn lực, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ sở vững chắc trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chuyên canh tập trung với quy mô lớn.

Ngày 12/1/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 39/QĐ-UBND về kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở này, tỉnh xây dựng 9 chuỗi liên kết theo tiêu chí cánh đồng lớn với các sản phẩm cà phê vối, cà phê chè; rau củ quả; dược liệu, mì, mía; cây thức ăn chăn nuôi, lúa, gạo (lúa gạo đỏ Măng Đen); chanh dây và các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Từ chủ trương lớn của tỉnh, các huyện, thành phố đều chú trọng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, đầu tư quy mô, sản xuất theo chuỗi liên kết như huyện Đăk Hà đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê; huyện Kon Plông đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ rau hoa củ quả xứ  lạnh; huyện Tu Mơ Rông đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến các loại dược liệu.

Liên kết giúp bà con đồng bào DTTS yên tâm lao động và có việc làm ổn định, không lo đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: P.N

 

Hiện nay, tại huyện Đăk Hà, Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Sáu Nhung đã liên kết hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê 300ha, sản lượng hàng năm 1.000 tấn/năm; Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô liên kết với các hộ dân sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm cà phê với diện tích 220ha, sản lượng 900 tấn/năm. Triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Thế hệ mới Đak Mar đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn tổ chức sản xuất và sơ chế, cung ứng cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai), trong niên vụ năm 2023 được khoảng 600 tấn cà phê nhân.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô được đánh giá là một điển hình trong việc tập hợp, gắn kết nông dân tham gia liên kết sản xuất của tỉnh. Quy mô ban đầu chỉ có 43 hộ thành viên với 78 ha đất sản xuất, đến nay, đã mở rộng ra 113 hộ thành viên, trong đó, có 10% là người Rơ Ngao, với tổng diện tích hơn 220ha đất sản xuất nằm rải rác tại các xã Đăk Mar, Đăk Hring, Đăk Long, Đăk Pxi, Đăk Ngọc, Hà Mòn, Ngọc Wang, Đăk La, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà). Với tổng diện tích trên, hằng năm Hợp tác xã thu được bình quân 900 tấn cà phê nhân xô và các thành viên tham gia sản xuất, cung ứng cà phê chất lượng cao của hợp tác xã có thu nhập cao hơn khoảng 30% so với sản xuất cà phê thông thường.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Pô Kô ứng dụng số biết rõ quy trình từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến. Ảnh: PN

 

“Để xây dựng chuỗi liên kết được hiệu quả, bền vững, gắn bó lợi ích, trước khi mới bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết, đã có nhiều cuộc bàn bạc, thảo luận giữa hợp tác xã với người nông dân. Về phía hợp tác xã đã hỗ trợ tích cực cho người nông dân về kỹ thuật, phân bón, tiêu thụ cà phê để giúp tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Nhờ vậy, nên người nông dân liên kết sản xuất ngày càng tăng”- bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã cho biết.  

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 60 chuỗi giá trị liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong đó,  đã có 30 chuỗi liên kết chăn nuôi, 1 chuỗi liên kết giá trị nuôi cá (cá lóc, cá thát lát) lồng bè trên hồ thủy điện tại xã Ya Ly (huyện Sa Thầy), 11 chuỗi cung ứng nông sản an toàn áp dụng chương trình quản lý tiên tiến (VietGAP, VietGAHP…) với 4 chủng loại nông sản thực phẩm (rau củ, cà phê bột, thịt gà, thịt heo) trên địa bàn huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông và thành phố Kon Tum; sản phẩm an toàn được tiêu thụ các cửa hàng, 24 bếp ăn tập thể. Còn lại là chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp như cà phê, dược liệu, mía, mắc ca, chanh dây tại các huyện như Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện xây dựng được 59 trang trại, hộ chăn nuôi công nghệ cao áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín gồm 21 trang trại chăn nuôi heo, 32 trang trại chăn nuôi gia cầm và 1 trang trại dê, 4 trang trại chăn nuôi tổng hợp, 1 trang trại bò và có 5 hộ chăn nuôi áp dụng một phần theo hình thức chăn nuôi hữu cơ. Xây dựng 20 đơn vị sản xuất nông sản áp dụng chương trình quản lý tiên tiến (VietGAP, VietGAHP, Global GAP, HACCP, hữu cơ) với diện tích chứng nhận 437,75ha, sản lượng chứng nhận 37,5 tấn/năm đối với chăn nuôi gà thịt, chứng nhận VietGAP với tổng số lượng 3.000 con heo/năm.

Ông Nguyễn Hoài Tâm- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Các chuỗi liên kết đã đóng góp một phần rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở vững chắc trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chuyên canh tập trung với quy mô lớn, bảo đảm kiểm soát cả đầu vào - đầu ra trong sản xuất nông nghiệp gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ, từng bước hình thành chuỗi liên kết giữa sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đáp ứng yêu cầu kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nông sản nghiêm ngặt của thị trường thế giới và trong nước. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo nền tảng vững chắc trong sản xuất, hướng đến phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, xanh và bền vững, nâng cao đời sống của người nông dân trên địa bàn tỉnh.

(còn nữa)

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác