Liên kết “6 nhà” trong nông nghiệp

26/10/2023 06:02

Liên kết sản xuất có vai trò rất quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp bền vững, giúp nâng cao lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị, nhất là đối với nông dân.

Nhiều năm trước, trong sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đã hình thành mối liên kết “4 nhà” gồm “Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp - nhà khoa học”. Đây là mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học, dưới sự thúc đẩy, hỗ trợ của Nhà nước, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, những năm qua, nông nghiệp tỉnh ta tiếp tục phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm có lợi thế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững.

Phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp của Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng. Ảnh: HL

 

Tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của ngành Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng, phát triển vững chắc, dần đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Trong thành tựu chung ấy, có đóng góp rất quan trọng của mối liên kết “4 nhà”.

Mấy năm gần đây, bắt kịp xu thế chung, mối liên kết “4 nhà” truyền thống trong nông nghiệp đã được “mở rộng” thành “6 nhà”, với sự gia nhập của “2 nhà” là hệ thống ngân hàng và các nhà phân phối.

Theo Sở NN&PTNT, những mô hình liên kết “6 nhà” đã phát huy hiệu quả khi hình thành được liên kết chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận, chia sẻ lợi ích có hiệu quả đang được nhân rộng.

Mức độ đầu tư phát triển hạ tầng, như giao thông, kênh mương thủy lợi, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, phát triển vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản; đầu tư cho khâu bảo quản chế biến sau thu hoạch, cũng như tiêu thụ sản phẩm được quan tâm hơn.

Nhiều mô hình hợp tác, liên kết theo “công thức 6 nhà” được hình thành, phát huy hiệu quả ở các địa phương, nhất là ở các vùng chuyên canh cà phê, cao su, cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi gia súc ở Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Kon Plông, thành phố Kon Tum.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mối quan hệ liên kết trong “6 nhà” còn không ít vướng mắc cần giải quyết. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít; số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 90% nên khó có khả năng chi phối chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp.

Bên cạnh đó, phần lớn hộ gia đình nông dân còn thu nhập thấp, lúng túng trong chuyển đổi và thích ứng với thị trường cạnh tranh. Khả năng đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, nên sản xuất nông lâm, thuỷ sản bấp bênh, năng suất, chất lượng, giá trị còn thấp.

Trong khi năng lực liên kết sản xuất  với thị trường của nông dân còn hạn chế thì sự tham gia của các nhà phân phối khá mờ nhạt.

Trong giai đoạn hiện nay, cần tăng cường sự tham gia của nhà phân phối trong chuỗi liên kết sản xuất. Ảnh: HL

 

Đơn cử câu chuyện đưa các sản phẩm nông sản do nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất vào các siêu thị, cửa hàng hiện. Chỉ cần đến siêu thị Co.opmart (thành phố Kon Tum) sẽ thấy rất rõ điều này.  Tại gian hàng nông sản, hầu hết mặt hàng, từ rau, củ, quả đến sản phẩm từ gia súc, gia cầm đều có xuất xứ… Gia Lai, vắng bóng sản phẩm do nông dân Kon Tum sản xuất.

Câu chuyện sử dụng vốn sao cho hiệu quả hay ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh nông sản như thế nào để đạt được hiệu quả tốt cũng rất đáng quan tâm. Thời gian qua những kết nối này còn mang tính tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ, kết nối cơ học là chính. Việc tích tụ diện tích đất lớn để ứng dụng khoa học công nghệ toàn diện, đạt năng suất, hiệu quả cao nhất còn khó khăn.

Điểm yếu của nông nghiệp tỉnh là khâu thu hoạch, chế biến đa dạng hóa sản phẩm vẫn chưa được khắc phục. Phần lớn bà con nông dân chỉ tập trung sản xuất thật nhiều mà chưa quan tâm đến việc sản phẩm làm ra bán cho thị trường nào, bao bì mẫu mã ra sao.

Ngày 19/8, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu phát huy mạnh mẽ việc liên kết “6 nhà” trong sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng sâm Ngọc Linh nói riêng, để cộng hưởng sức mạnh.

Có thể nói, muốn phát triển nông nghiệp bền vững, muốn tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, vai trò liên kết “6 nhà” là vô cùng quan trọng.

Trong đó, Nhà nước là “người cầm cân nảy mực” trong việc xây dựng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân phát triển, ứng dụng công nghệ mới, mở rộng thị trường

Nhà khoa học định hướng và đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp phù hợp với nguồn lực và trình độ canh tác, nhận thức, điều kiện thực tế sản xuất của bà con nông dân.

Hệ thống ngân hàng vào cuộc chủ động và trách nhiệm nhằm tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông sản, thông qua thực hiện các biện pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay; phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn vay.

Doanh nghiệp, bao gồm sản xuất và phân phối, đầu tư trực tiếp hoặc liên kết, để đầu tư, sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ mới phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; thúc đẩy mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nâng cao tính cạnh tranh.

Và cuối cùng, với vai trò trung tâm, nông dân cần chủ động và mạnh dạn nắm bắt cơ hội để vượt qua chính mình, vừa là nhà sản xuất vừa là nhà kinh doanh nông nghiệp.

Hồng Lam

Chuyên mục khác