27/08/2018 07:05
Tạo dấu ấn đột phá
Liên hiệp Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Kon Tum là liên hiệp hợp tác xã đầu tiên ở tỉnh, bao gồm 4 thành viên: Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Kon Plông, Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Tu Mơ Rông, Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Đăk Glei và Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông.
Bàn về phát triển kinh tế hợp tác, ông Phạm Ngọc Diễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Kon Tum cho rằng, phần lớn các hợp tác xã hiện nay là sự tập hợp của những người lao động, còn mang thói quen thụ động, sản xuất theo lối truyền thống, bằng lòng với những gì mình đang có, chậm ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tính tự lực còn yếu; quy mô sản xuất, dịch vụ nhỏ lẻ; khâu bảo quản, chế biến còn hạn chế lại chưa gắn kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm; chất lượng nông sản chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường…
“Để các hợp tác xã phát triển đúng hướng và trở thành động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, các hợp tác xã phải làm được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, giúp bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là thực hiện tốt liên doanh, liên kết và bảo đảm đầu ra ổn định nông sản. Từ những suy nghĩ này, Liên hiệp Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Kon Tum liên kết các thành viên thành lập Liên hiệp, mở hướng đi đột phá trong khâu ứng dụng công nghệ và chế biến sâu các sản phẩm” - ông Diễn chia sẻ.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng và nguồn nguyên liệu trong chế biến, Liên hiệp Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Kon Tum tập trung vào trồng các loại cây dược liệu, cây gia vị ở địa phương; nghiên cứu và phát triển thực nghiệm khoa học tự nhiên và kỹ thuật…
|
Mặc dù mới được thành lập, nhưng Liên hiệp Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Kon Tum cho ra đời những sản phẩm có giá trị như: rượu sâm Đăk Bla, cà phê sâm không đường, trà sâm không đường, sữa gạo đỏ lên men, nước dâu tây, các loại cao thảo dược… tạo được dấu ấn ở địa phương.
Tầm nhìn chiến lược
Với tầm nhìn chiến lược trong xây dựng và phát triển, ông Phạm Ngọc Diễn cho biết, Liên hiệp Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Kon Tum xây dựng ngân hàng gene thực vật (xác định nguồn gốc bố mẹ), quy trình nhân giống theo công nghệ gene; quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và chế biến sản phẩm…
Để hiện thực hóa chiến lược này, Liên hiệp Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Kon Tum lập Dự án Viện nghiên cứu và ứng dụng giống thực vật, nhà máy chế biến dược liệu và vườn thực nghiệm tại huyện Tu Mơ Rông. Đây là trung tâm sản xuất giống với công nghệ hiện đại có ưu điểm vượt trội so với phương pháp nuôi cấy mô hiện nay nhằm tạo ra hàng loạt giống cây trồng vừa sạch bệnh, vừa đạt tiêu chuẩn theo bộ quy chuẩn thực vật.
Ông Diễn cũng nhấn mạnh, Liên hiệp Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Kon Tum xây dựng nhà máy chế biến dược liệu và ứng dụng công nghệ cao tập trung chế biến sâu các mặt hàng nông sản như: Chế biến cao thảo dược (cao sâm hỗn hợp, các loại cao sâm đinh lăng, nấm ngọc cẩu, sâm cau, ba kích, huyết đằng, hà thủ ô, sa nhân tím, cẩu tích, atiso, giảo cổ lam, cốt toái bổ, thiên niên kiện, xạ đen, lan kim tuyến, bơ, nghệ, lá sen…), nước ép giải khát lên men (từ sơn tra, ngũ vị tử, gạo đỏ, bụp giấm, atiso, sim, hỗn hợp sâm lá); nước ép hỗn hợp từ các loại nước ép (sâm, nha đam, mâm xôi, bụt giấm, bưởi, sim, dưa leo…); các loại rượu (rượu sâm, ngọc cẩu, đinh lăng, ba kích, sâm cau, ngũ vị tử); các loại trà (trà sâm hòa tan, cà phê hòa tan, hỗn hợp trà túi lọc…); hỗn hợp giảm cân thải mỡ (hỗn hợp mật ong, cao lá sen…)
Trên cơ sở định hướng chiến lược này, Liên hiệp Hợp tác xã Nông - công nghiệp xanh Kon Tum sản xuất các sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm để góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Văn Nhiên