15/05/2017 07:25
Hiện giá mủ tạp, mủ dây khô được các cơ sở thu mua ở mức 12.500 đồng/kg, mủ đông khô ở mức 11.500 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với thời điểm đầu vụ cạo năm 2016... Giá cao su thành phẩm như cao su SVR CV cũng lên mức trên 47.130 đồng/kg, cao su SVRL lên mức 42.600 đồng/kg.
Đây là tín hiệu vui, tạo động lực khích lệ nông dân, doanh nghiệp khi bước vào vụ mới với không khí hồ hởi, phấn khởi.
|
Theo tính toán của người dân, với mức giá từ 10.000 đồng/kg trở lên là người trồng đã có lãi, những hộ trồng nhiều sẽ có thu nhập cao. Bình quân mỗi héc ta cao su đang trong giai đoạn khai thác ổn định, mỗi lần cạo thu được từ 50-55kg mủ, trừ tiền thuê nhân công cạo, người nông dân cũng có lời từ 400.000- 450.000 đồng, nếu người trồng tự khai thác theo kiểu lấy công làm lời thì mỗi lần cạo thu được khoảng 550.000 – 600.000 đồng.
Như vậy, với cách khai thác cứ 2 ngày nghỉ 1 ngày cạo, thì sau khi trừ tất cả các khoản chi phí như thuê nhân công, phân bón, thuốc trừ sâu, diệt mối, dụng cụ... bình quân mỗi tháng người nông dân thu lời từ khoảng 3- 3,5 triệu đồng/ha.
Ông Lê Đình Quế (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) chia sẻ: Nhà tôi có 4ha cao su, mấy năm trước giá thấp đến nỗi nhiều lúc thu không đủ để trả tiền cho nhân công cạo mủ. Mãi đến cuối vụ vừa rồi, giá mủ mới nhích lên, nhưng người dân được hưởng niềm vui không nhiều bởi thời điểm giá tăng đã vào cuối vụ cạo. Nếu vụ này, giá mủ cứ duy trì đà này thì nông dân chúng tôi có thể sống khoẻ nhờ cây cao su và hầu hết người trồng cũng chỉ mong mỏi giá cả cứ ổn định như thế này để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nông dân vui, người thu mua mủ cũng phấn khởi không kém. Chị Nguyễn Thị Lý (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) một người chuyên thu mua mủ cao su cho biết: Những người thu mua mủ chúng tôi cũng rất phấn khởi vì giá có tăng thì người nông dân mới có hứng thú để thu hoạch, đầu tư để nâng cao chất lượng mủ. Lâu lắm rồi tôi mới thấy người nông dân hồ hởi chở mủ đến bán và vui vẻ khi nhận tiền như bây giờ.
Nguyên nhân giá mủ cao su tăng lên là do những tác động của thị trường thế giới, nhu cầu nhập khẩu cao su của thị trường Trung Quốc tăng lên. Tuy chưa phải là mức giá ấn tượng, nhưng những diễn biến thuận lợi này của thị trường cao su cũng khiến người trồng vui mừng và tin tưởng vào hiệu quả kinh tế mà loại cây trồng này mang lại. Đồng thời, khi giá mủ tăng người nông dân có điều kiện gắn bó, chăm sóc cây cao su nhiều hơn.
Không chỉ nông dân vui, các doanh nghiệp trồng, chế biến mủ cao su cũng phấn khởi không kém. Từ chỗ phải “thắt lưng buộc bụng” để duy trì hoạt động, giờ các doanh nghiệp có thể thở phào nhẹ nhõm.
Giá mủ tăng lên là điều đáng mừng, tuy nhiên, nông dân cũng cần chú trọng đến việc khai thác bền vững để vườn cao su cho lợi ích kinh tế lâu dài. Bởi theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, người dân không nên thấy giá cao mà ép cây lấy mủ, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mủ; đặc biệt cần chú ý đến việc đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mật độ cạo để không làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển, nhất là tuổi thọ của cây.
Ngọc Thắng