Lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường: ​Nhận diện những bất cập

20/04/2017 08:01

​Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc, cũng là một trong những bước chuẩn bị rất quan trọng trước khi triển khai các dự án đầu tư. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang lộ diện những bất cập đáng quan tâm...

Vai trò quan trọng...

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), báo cáo đánh giá tác động môi trường là công cụ pháp lý và kỹ thuật quan trọng để xem xét, dự báo tác động môi trường của các dự án. Đây là một yêu cầu không thể thiếu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình quyết định đầu tư và phê duyệt dự án.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường còn là cơ sở để doanh nghiệp biết rõ hơn về hiện trạng chất lượng môi trường, từ đó có thể đề ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả nhằm đạt các tiêu chuẩn môi trường theo quy định. Hơn nữa, là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước đánh giá đúng về công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Nhìn nhận về vai trò của báo cáo đánh giá tác động môi trường, ông Đỗ Ngọc Thọ - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh cũng cho rằng, hiện nay có không ít dự án sản xuất, kinh doanh thuộc diện có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhất là các nhà máy chế biến nông sản… Do đó, việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có vai trò quan trọng trong kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường ngay từ khâu lập dự án.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ pháp lý quan tọng để quản lý công tác bảo vệ môi trường của các dự án. Ảnh: T.H

 

Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong năm 2016, có 29 báo cáo đánh giá tác động môi trường được thẩm định, trong đó có 26 báo cáo được UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt. Riêng trong quý I/2017, ngành chức năng đã thực hiện thẩm định 2 báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ông Huỳnh Thúc Viên - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường nhận định: Qua quá trình triển khai thi hành các quy định pháp luật cho thấy, báo cáo đánh giác tác động môi trường là công cụ quan trọng để quản lý môi trường đối với các dự án. Thực tế cũng cho thấy, nội dung và chất lượng của báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày càng rõ ràng, khoa học và chi tiết hơn, khi đi vào vận hành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, góp phần tích cực cho sự nghiệp bảo vệ môi trường của địa phương.

... nhưng còn nhiều bất cập

Là người tham gia thẩm định nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường với tư cách là thành viên Hội đồng thẩm định của tỉnh, ông Đỗ Ngọc Thọ từng phát biểu trong một cuộc họp Hội đồng rằng nếu công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án được thực hiện tốt sẽ giúp các doanh nghiệp có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. Đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn những bất cập cần được nhận diện và có biện pháp khắc phục, nếu muốn phát huy vai trò quan trọng của báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bất cập lớn nhất hiện nay chính là nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường phải “ôm” thêm nhiều việc, từ dự báo các tác động đối với đời sống xã hội, đối với sức khỏe con người đến dự báo cả các rủi ro, sự cố do dự án gây ra. Hơn nữa, mỗi báo cáo đánh giá tác động môi trường - khi được phê duyệt - gần như là căn cứ duy nhất để quản lý, kiểm soát môi trường trong suốt quá trình triển khai và hoạt động của dự án.

Một trong những bước quan trọng của báo cáo đánh giá tác động môi trường chính là tham vấn ý kiến cộng đồng. Tuy nhiên, có không ít báo cáo chưa thực hiện việc tham vấn đúng nghĩa. Thậm chí, một số báo cáo (do cùng nhà tư vấn lập) giống nhau về ý kiến trả lời tham vấn của UBND cấp xã, của thôn, làng, ngay cả lỗi chính tả cũng... không khác.

Mặt khác, một thành viên Hội đồng thẩm định (xin giấu tên) cho biết, bên cạnh một số dự án có báo cáo đánh giá tác động môi trường khá kỹ lưỡng, được Hội đồng đánh giá cao, khi được phê duyệt đã phát huy hiệu quả thì có không ít báo cáo được xây dựng mang tính hình thức, làm cho có, gần như chỉ là bước thủ tục hỗ trợ để doanh nghiệp và chủ đầu tư được phê duyệt dự án.

Cũng có không ít trường hợp chủ dự án giao khoán, phó mặc cho bên tư vấn thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường nên nội dung tư vấn đưa ra trong báo cáo không thống nhất, thậm chí không phù hợp với nội dung của dự án… Nhiều khi Hội đồng thẩm định trở thành “người sửa lỗi” cho tư vấn, nhặt ra quá nhiều “sạn”- vị thành viên Hội đồng thẩm định này phát biểu.

Chẳng hạn như Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Bãi xử lý rác thải huyện Đăk Tô (mới được Hội đồng thẩm định của tỉnh thông qua vào cuối tháng 3/2017) do một doanh nghiệp tư vấn lập khá sơ sài. Hội đồng thẩm định đã mất khá nhiều thời gian để sửa lỗi; trong đó có những lỗi cơ bản, mang tính chuyên môn, như: tính toán lượng rác thải phát sinh chưa chính xác, chưa có giải pháp xử lý môi trường đối với bãi rác cũ, chưa làm rõ công nghệ xử lý rác cũng như dự báo tác động đến môi trường, thiếu đánh giá tác động của khí thải và mùi hôi phát sinh từ bãi rác đến khu dân cư xung quanh...

Để khắc phục những bất cập trong công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhiều người cho rằng cần làm rõ vai trò của các chủ thể tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, nhằm bảo đảm phải có chủ thể chịu trách nhiệm trong trường hợp dự án được duyệt gây tổn hại môi trường xuất phát từ chất lượng của báo cáo.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác hậu kiểm sau phê duyệt bằng cách bố trí đủ nhân lực, trang thiết bị và thời gian để giám sát môi trường thường xuyên trong quá trình xây dựng và hoạt động của dự án; trao quyền để xử lý việc không thực thi hoặc thực thi không đầy đủ các nội dung trong báo cáo được phê duyệt...

Thành Hưng

Chuyên mục khác