Làng nghề loay hoay trong mùa dịch

26/09/2021 06:10

Không còn rộn ràng, nhộp nhịp như trước đây, Làng nghề H’Nor (phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) và Làng nghề truyền thống và TTCN huyện Đăk Hà (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) trở nên đìu hiu, vắng lặng vì chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Mỗi khi có khách đến mua hàng, anh Nguyễn Thanh Phong - chủ cơ sở sản xuất đồ gia dụng ở Làng nghề H’nor luôn chắt chiu từng cơ hội với mong muốn bán được hàng.

Anh Phong tâm sự: Từ lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, lượng hàng bán ra thị trường giảm hơn một nửa so với trước. Hàng hóa không xuất đi được, chủ yếu bán cho người dân trong tỉnh. Mà tình hình chung, người dân ai nấy cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, nên mỗi khi bỏ tiền ra mua hàng phải đắn đo, trả giá. Để giữ chân khách hàng, đôi lúc phải bán giá gốc, thậm chí lỗ tiền công thợ, nhưng hàng bán được là vui rồi.

Vì không có việc làm, một số lao động tại xưởng anh Phong phải chịu cảnh mất việc vì không đủ tiền trả công. Trước đây, hàng hóa vào ra ổn định, xưởng anh Phong có tầm 20 thợ, nhưng hiện tại chỉ còn 3 thợ để cơ sở duy trì hoạt động.

Để thu hút khách hàng, anh Phong phải thường xuyên cập nhật các mặt hàng với nhiều mẫu mã, chất liệu kèm theo giá công khai trên các trang mạng xã hội để khách hàng có thể tham khảo, trả giá trực tiếp. Các mặt hàng tại xưởng gia đình anh Phong bán có giá tương đối “mềm” hơn so với thị trường nên cũng được nhiều người ủng hộ. Vì không thể nhập hàng hóa từ ngoài Bắc về nên hiện tại xưởng chỉ nhận đóng đồ theo yêu cầu, đồng thời đóng thêm một số vật dụng như tủ, giường… gửi cho cửa hàng trưng bày bán hộ. Dăm bữa, nửa tháng họ cũng bán được 1 cái.

“Bán được hàng là vui rồi, lời ít cũng được, tạo được việc làm cho thợ để xưởng tiếp tục duy trì qua mùa dịch. Đó là thành công với gia đình rồi” - anh Phong bày tỏ.

Những người thợ đồng ý nhận lương thấp hơn để chia sẻ khó khăn với các chủ cơ sở. Ảnh: VT

 

Cũng cố cầm cự trong mùa dịch, anh Nguyễn Viết Cách - chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng cũng phải cho 4/6 thợ nghỉ việc để tiếp tục duy trì cơ sở. Lượng hàng bán ra không nhiều như mọi năm. Để thu hút khách hàng, anh Cách vẫn luôn cải tiến mẫu mã và “hạ nhiệt” giá bán. Các sản phẩm anh làm ra luôn tỉ mỉ từng chi tiết, làm theo đúng yêu cầu khách hàng nên hàng hóa vẫn bán lai rai trong mùa dịch.

Còn anh Nguyễn Viết Luân - một thợ mộc ở Làng nghề H’nor cũng chịu ảnh hưởng suốt thời gian qua. Anh Luân tâm sự: Công việc mà tôi nhận làm trong những tháng qua giảm hơn một nửa. Mọi năm công việc suôn sẻ, 1 tháng làm đủ 30 công. Từ lúc ra Tết đến nay, công việc bấp bênh hơn, có tháng chỉ 10 - 15 công. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng móc nối các chủ cơ sở mộc có việc gì cần, khó hay dễ cứ gọi là tôi làm, tôi không nề hà. Tôi thấy bản thân vẫn con may mắn hơn nhiều người đang mắc kẹt tại các tỉnh, thành phố khác.

Tại Làng nghề truyền thống và TTCN huyện Đăk Hà (Làng nghề), nhiều cơ sở sản xuất rơi vào tình trạng “án binh, bất động”. Dạo một vòng tại Làng nghề, có rất nhiều cơ sở phải đóng cửa, cỏ cây mọc um tùm trước cửa tiệm, thậm chí một số nơi còn treo biển “Cần sang xưởng”.

Chị Hạnh - chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Chí Công cho hay: Đa số các cơ sở ở đây đều vay vốn ngân hàng, mùa dịch không bán được hàng nhưng vẫn phải đóng tiền lãi nên nhiều cơ sở phải đóng cửa, một số chủ xưởng phải đi làm thuê để có tiền xoay sở qua ngày.

Cơ sở sản xuất đồ gỗ nhà chị Hạnh có quy mô lớn nhất tại Làng nghề, trước đây công việc ổn định, nhân công nhà chị trên dưới 15 người. Hiện tại, vì lượng hàng tồn kho gần 60% buộc chị phải cho lao động nghỉ việc và chỉ giữ lại 2 thợ để cơ sở duy trì hoạt đông.

Theo chị Hạnh, các lao động ở lại làm đều rất thông cảm và chia sẻ khó khăn với chủ cơ sở. Trước đây, một ngày cơ sở trả 400.000 đồng/người thì bây giờ chỉ còn 300.000 đồng/ngày.

Bác Nguyễn Thành Công - người làm thuê cho gia đình chị Hạnh tâm sự: Do dịch bệnh, chúng tôi ảnh hưởng một thì chủ cơ sở phải ảnh hưởng mười. Dù chủ cơ sở trả lương ít lại nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui vì có thể cùng nhau chia sẻ khó khăn. Hơn nữa, trong lúc dịch bệnh khó khăn, tôi vẫn có việc làm để lo cho gia đình là một điều may mắn.

Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Nguyễn Văn Năm - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ có hai nơi hoạt động theo đúng trình tự của làng nghề, đó là Làng nghề H’nor và Làng nghề truyền thống và TTCN huyện Đăk Hà, nhưng cả hai vẫn chưa có giấy chứng nhận làng nghề do tỉnh cấp theo đúng Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn do Chính phủ ban hành, từ đó gây khó khăn trong việc kiểm soát những lao động, chủ cơ sở kinh doanh… hoạt động tại làng nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những lao động, chủ cơ sở… hoạt động tại hai nơi nói trên được xem là những lao động tự do. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tham mưu Sở NN&PTNT đề nghị các huyện, thành phố hoàn thành các thủ tục pháp lý để được cấp giấy chứng nhận làng nghề theo đúng Nghị định do Chính phủ ban hành. Từ đó, người lao động, chủ cơ sở, kinh doanh tại làng nghề sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.      

Văn Tùng

Chuyên mục khác