Làng nghề Hno vào xuân

27/01/2019 06:44

Những ngày cuối năm, tại các cơ sở sản xuất mộc, thép, cơ khí, đá granite...ở làng nghề Hno (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum), không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết. Các cơ sở sản xuất đang dồn hết nhân lực, vật lực chạy đua cùng thời gian để cố gắng tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho thị trường Tết.

Về làng nghề Hno những ngày này, không khí mùa Xuân dường như đã len lỏi trong từng gia đình. Trên con đường nhựa phẳng lì vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng ngày Tết Dương lịch chạy quanh làng nghề, ở đâu ta cũng bắt gặp cảnh công nhân đang hối hả làm việc. Tiếng cưa, tiếng đục vang vọng cả một góc trời.

Đã thành thông lệ hễ mỗi khi tết đến, xuân về là mỗi gia đình đều chuẩn bị chỉnh trang nhà cửa, sắm sửa cho gia đình một vài vật dụng mới, mua cho con cái vài bộ quần áo mới. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cuộc sống thì nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân những ngày giáp Tết cũng trở nên sôi động và đa dạng hơn. Chính vì thế, nhu cầu thị trường hàng hóa Tết tăng cao, để đáp ứng nhu cầu này, các làng nghề cũng tăng tốc chạy đua với thời gian.

Về thăm làng nghề Hno vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ nét không khí tấp nập, rộn ràng đang hiện hữu trên từng gương mặt, từng hoạt động của con người. Khắp các tuyến đường, đâu đâu cũng tràn ngập âm thanh của tiếng nói tiếng cười đan xen cùng tiếng cưa máy, tiếng đục đều đặn và những bàn tay tỉ mẩn nhưng thoăn thoắt.

Với đôi bàn tay thô ráp, những người thợ làm đồ gỗ mỹ nghệ ở làng nghề Hno khéo léo tạo ra được những sản phẩm vô cùng tinh xảo. Với mỗi người thợ nơi đây, để làm ra một sản phẩm hoàn hảo không chỉ tay nghề giỏi mà còn làm bằng sự thăng hoa trong cảm xúc và có tâm với nghề. Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ là đứa con tinh thần, là niềm đam mê của người thợ nên được chăm chút tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết trang trí, chạm khắc.

Gia công đồ gỗ mỹ nghệ ở làng nghề Hno. Ảnh: B.C

 

Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình mình, anh Nguyễn Đình Công - Chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Thành Công vui vẻ cho biết, anh theo nghề này cũng đã gần 30 năm nay. Anh từng rong ruổi nhiều năm đi qua các nước Trung Quốc, Malaysia, Campuchia để vừa làm, vừa học hỏi nâng cao tay nghề. Những năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường ngày càng phát triển, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ được thị trường ưa chuộng nên đời sống của anh em công nhân cũng tương đối ổn định. Sản phẩm mộc mỹ nghệ Kon Tum luôn được người tiêu dùng đánh giá cao cả về chất lượng gỗ cũng như độ tinh xảo và tính thẩm mỹ trên từng sản phẩm. Những người thợ điêu khắc ở đây hầu hết từ các tỉnh phía Bắc vào. Với đôi bàn tay khéo léo, họ tỉ mỉ chạm khắc tạo ra những sản phẩm gỗ mỹ nghệ đa dạng như khung tranh, lục bình, tượng hay đồ thờ cúng... tất cả đều mang nét độc đáo, có tính thẩm mỹ cao.

Danh tiếng của các sản phẩm mộc mỹ nghệ ở đây đã vươn ra hầu khắp các thị trường và chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng trong cả nước, vì chất lượng gỗ ở Kon Tum rất tốt. Hiện cơ sở tạo việc làm ổn định cho hơn 10 công nhân. Tiền công trả cho công nhân mỗi ngày từ 300 đến 500 ngàn đồng/người, tùy theo tay nghề. Tuy nhiên, có những thợ đạt đến trình độ nghệ nhân thì có khi trả công 1 triệu đồng/ngày, vì những thợ này biết chạm trổ khuôn mặt thần thái, rất có hồn.

"Hiện nay chúng tôi đang tranh thủ thời gian, để kịp giao các sản phẩm cho khách hàng trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, không vì thế mà làm qua loa được, vì đây là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đòi hỏi kỹ thuật cao nên phải tập trung để có được sản phẩm ưng ý..." - anh Nguyễn Đình Công cho tôi biết thêm.

Không chỉ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Thành Công, hiện 126 hộ làm nghề mộc ở làng nghề Hno chủ yếu sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng cao cấp như bàn, ghế, giường, tủ và mộc mỹ nghệ. Những năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường ngày càng phát triển, mức tiêu thụ sản phẩm mộc ổn định, nghề mộc ở làng nghề Hno đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Anh Trần Văn Thức - Chủ cơ sở đồ gỗ Như Ý cho biết thêm, để đáp ứng đủ lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngay từ trước Tết vài ba tháng, nhiều cơ sở sản xuất mộc trong làng nghề Hno chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu, mua sắm thêm máy móc, tuyển dụng thêm lao động nhằm đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Nắm bắt thị hiếu của khách hàng, các cơ sở sản xuất đều tập trung cải tiến mẫu mã, mở rộng phát triển chủng loại các mặt hàng.

Do năm nay đơn đặt hàng khá nhiều, tuyển thợ cũng khó khăn nên mới giữa tháng 10 Âm lịch, cơ sở anh Thức đã không nhận hàng của khách đặt và đành hẹn qua Tết Nguyên đán. 

Không chỉ nghề mộc mà các ngành nghề khác ở làng nghề Hno như nghề cơ khí, cửa sắt, cửa nhôm, kính, hàn tiện, cơ khí, đá granite cũng đang tất bật tương tự.

Bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó giám đốc Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp thành phố Kon Tum cho biết, hiện nay làng nghề Hno có 253 cơ sở đang hoạt động với nhiều nhóm ngành nghề khác nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là nghề mộc. Làng nghề Hno giải quyết, tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động. Thời gian này, tất cả người dân trong làng nghề đều tập trung chạy đua với thời gian để cho ra nhiều sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán. Mỗi cơ sở ở đây đều luôn cố gắng đổi mới mẫu mã, chất lượng để xây dựng thương hiệu riêng nhằm giữ uy tín cho cơ sở và thu hút khách hàng…

Mỗi ngành nghề, mỗi gia đình ở làng nghề Hno đều có một sản phẩm, thế mạnh đặc trưng, nhưng tất cả đang cùng hướng tới là phục vụ thị trường vào dịp Tết Nguyên đán 2019.

Đối với mỗi gia đình ở làng nghề Hno thời điểm này, việc sản xuất sôi động, tiêu thụ sản phẩm nhanh chính là góp phần mang đến một cái Tết sung túc, đầm ấm, tạo niềm phấn khởi cho người dân và để chuẩn bị cho vụ sản xuất năm mới đầy hứng khởi.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cận kề, mỗi người dân trong làng nghề Hno đều hy vọng một mùa bội thu sẽ đến để nhà nhà đều được hưởng cái Tết ấm no, hạnh phúc...

BẢO CHÂU

Chuyên mục khác