Lan tỏa phong trào thi đua trong cộng đồng doanh nghiệp

12/10/2020 06:04

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình cùng với khát vọng làm giàu chính đáng, những năm qua, các doanh nghiệp, trong đó hạt nhân là đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua xây dựng doanh nghiệp vững mạnh và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được các doanh nghiệp hưởng ứng và triển khai sâu rộng, trở thành động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh, xây dựng, nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; xây dựng, gìn giữ văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh của doanh nhân Việt Nam, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng; đóng góp tích cực vì cộng đồng, gắn sự phát triển doanh nghiệp với việc thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân có những mô hình hay, cách làm sáng tạo để tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, phát huy sức mạnh và trí tuệ của tập thể thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện thu nhập cho người lao động; đưa doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng lớn mạnh và phát triển bền vững.

Phong trào thi đua đã tạo khí thế, động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ảnh: T.H

 

Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Kon Tum có phong trào “thi đua lao động giỏi, hoàn thành nhiệm vụ trong hoạt động kinh doanh”; Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum triển khai mạnh mẽ phong trào thi đua “Quản lý tốt - Bán hàng giỏi”, “Người Petrolimex sử dụng và kinh doanh hàng Petrolimex” hay như Công ty Điện lực Kon Tum phát động rộng rãi phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa, xây dựng văn hóa doanh nghiệp…

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tích cực đẩy mạnh thi đua ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như phong trào tự động hóa trong sản xuất rau, hoa, củ an toàn của Công ty TNHH Việt Khang Nông (huyện Kon Plông) và trong sản xuất cây ăn quả của Công ty TNHH Sản xuất chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Đăk Hà)…

Nhìn nhận một cách khách quan, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Nhưng với sự năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh vẫn có những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng về công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng về nông - lâm nghiệp; giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp hàng chục tỷ đồng vào quỹ xóa đói giảm nghèo… Có thể nói, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là một trong những “lực đẩy” quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

5 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng đều, bình quân tăng 10,83%/năm. Công nghiệp chế biến được chú trọng và phát triển,  một số sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh có chiều hướng phát triển tốt. Lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng trưởng khá cao, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 12,4%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, đến năm 2020 đạt 150 triệu USD, bình quân tăng 12,63%/năm. Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, giải trí... có bước phát triển, hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2020, chỉ số phát triển công nghiệp toàn ngành tăng 10,4% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 26,7% so với cùng kỳ; tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 124 triệu USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ.

Để có được kết quả nêu trên, cùng với nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp và mỗi doanh nhân, có sự hỗ trợ, đồng hành rất lớn của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các năm qua, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như thành lập tổ hỗ trợ thủ tục đầu tư tỉnh, ban hành Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020, triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; thành lập Tổ công tác chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm thu hút đầu tư; thiết lập và đưa vào vận hành hệ thống “Tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh…

Tất cả những chủ trương, chính sách và cả phương thức điều hành linh hoạt, sáng tạo trên của tỉnh đều nhằm mục đích kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên địa bàn. Các cấp, các ngành cũng không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, giản hóa thủ tục, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân…

Có thể nói, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành trong phát động, triển khai các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, các phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng các doanh nghiệp đã tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tích cực sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh. 

Thiên Hương

Chuyên mục khác