26/05/2022 13:06
Theo ông A Cường - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, những năm qua, Hội Nông dân đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, cung ứng về giống, vốn, vật tư, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh mở được trên 400 lớp tập huấn ngắn ngày về áp dụng khoa học - kỹ thuật cho trên 17.000 lượt hội viên, nông dân tham gia; tổ chức 12 đợt cho gần 400 nông dân nghèo đi học tập kinh nghiệm ở một số mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn tỉnh; phối hợp với ngành chức năng mở 76 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 3.040 lao động nông thôn với các nghề như mộc dân dụng, dệt thổ cẩm, đan lát, may dân dụng, kỹ thuật cạo mủ cao su, kỹ thuật sơ chế nông sản sau thu hoạch, sửa chữa cơ khí nhỏ và một số ngành nghề khác phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, góp phần tạo điều kiện về việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, Hội Nông dân các cấp đã tín chấp cho nông dân vay vốn để đầu tư vào sản xuất; tiếp nhận 9,730 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội Nông dân ủy thác và nguồn vốn của tỉnh phân bổ; thực hiện có hiệu quả 51 dự án cho 290 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tín chấp cho 19.040 hộ vay với số tiền 903,109 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành lập 14 tổ liên kết vay vốn, làm thủ tục cho 310 thành viên vay 11,823 tỷ đồng. Đồng thời, các cấp hội phối hợp với một số doanh nghiệp tín chấp mua gần 31.000 tấn phân bón các loại trả chậm cho nông dân; phối hợp với doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp EKMAT tỉnh Đăk Lăk, trợ giá mua cây giống cà phê tái canh cho gần 2.700 lượt hộ nông dân...
Từ sự tiếp sức, hỗ trợ tích cực của các cấp Hội Nông dân, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Ngởi, Chi hội 8, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà canh tác 30ha cà phê, 28ha cao su, 32ha rừng xen cây ăn quả thu lợi 3,6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức lương từ 8-10 triệu đồng/người/tháng; hộ bà Y Hlạng, Chi hội Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, canh tác 0,6ha cà phê, 1ha sâm dây và 1.000 gốc sâm Ngọc Linh, thu lợi từ cà phê, sâm dây, lá sâm Ngọc Linh hơn 600 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng; hộ ông Tạ Hồng Kiệt, Chi hội 6, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum canh tác 20ha cao su, 4,5ha mì, 0,2ha lúa và kinh doanh vật tư nông nghiệp với lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm. Còn đối với hộ ông Nguyễn Đình Phượng, Chi hội Tân Bình, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, từ một nông dân nghèo, phải thuê đất sản xuất, thế nhưng nhờ Hội Nông dân tín chấp vay 50 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội ban đầu, đến nay, gia đình ông đã có trên 17ha đất, trong đó có 11ha cao su, 5ha cà phê, 1,2ha ao cá, thu lợi 680 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho 2 lao động và 4 lao động thời vụ; giúp cho 11 hộ vay trên 100 triệu đồng không lấy lãi, hỗ trợ 2 cháu bị bệnh tật 200.000 đồng/cháu/tháng, thường xuyên hỗ trợ kinh phí để tu sửa các tuyến đường giao thông tại nơi cư trú.
Những ngày tháng 5, chúng tôi cùng với cán bộ Hội Nông dân tỉnh đến thăm một số hộ gia đình làm kinh tế giỏi ở các địa phương. Hộ gia đình bà Nguyễn Minh Thư, Chi hội 5, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy có 5 nhân khẩu, chăn nuôi 500 con heo siêu nạc, thu nhập hằng năm đã trừ chi phí đạt từ 880-920 triệu đồng. Gia đình bà đã tạo việc làm cho 3 lao động theo mùa vụ, với mức tiền công 8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, gia đình bà còn giúp 4 lượt hộ nông dân nghèo, hộ khó khăn về kiến thức khoa học-kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất.
|
Đối với ông Vũ Mạnh Khải, Chi hội 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy canh tác 24 ha cao su, trong đó có 15,5 ha đang cho thu hoạch, trồng 8,5 ha cà phê xen canh với bơ, sầu riêng, chăn nuôi 22 con bò, gần 100 con gia cầm và có 1.700m2 ao nuôi các loại cá, mỗi năm lợi nhuận trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng. Gia đình còn hướng dẫn cho nhiều bà con nông dân cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, giúp đỡ giống heo cho 6 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn chăn nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể khẳng định, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong các khu dân cư, tạo động lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Thanh Hải