“Làn gió mới” trong sản xuất nông nghiệp

08/01/2023 13:12

Sự xuất hiện của những người trẻ có kiến thức, trình độ và tư duy hiện đại về làm nông, cùng với việc tăng cường nắm bắt và tận dụng ưu thế của chuyển đổi số đã và đang tạo ra “làn gió mới” trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả các thế mạnh và thúc đẩy quá trình xây dựng kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Nhân lực mới trong nông nghiệp

Tốt nghiệp đại học, tìm được công việc ổn định ở thành phố lớn, nhưng một số thanh niên vẫn chọn về quê làm nông. Quyết định của họ dù có thể không đúng với kỳ vọng của gia đình, người thân, nhưng với tư duy táo bạo cùng với nền tảng kiến thức tích lũy được trong quá trình học và làm, họ đã có những hướng đi, cách làm mới hiệu quả.

Tốt nghiệp 2 bằng đại học ở 2 chuyên ngành, gồm chuyên ngành Công nghệ thông tin và chuyên ngành Quản trị kinh doanh, nhưng sau một thời gian đi làm, Nguyễn Đức Vọng (sinh năm 1986) vẫn quyết định trở lại quê cùng với em trai Nguyễn Đức Dũng (sinh năm 1990) khởi nghiệp bằng việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Sau gần 5 năm gầy dựng, trang trại nuôi heo rừng lai và gà rừng thuần chủng ở thôn 5, xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) của hai anh em đã có được những thành công bước đầu.

Mô hình nuôi gà rừng thuần chủng của anh em Nguyễn Đức Vọng. Ảnh: TH

 

Nguyễn Đức Vọng chia sẻ: Năm 2017, khi em nói ý định về quê, bố mẹ em phản đối dữ lắm, bởi làm như vậy em đã đi ngược lại với kỳ vọng của gia đình. Song em tự nhủ, mình phải cố gắng thuyết phục gia đình bằng chính kiến thức mình đã học được và kinh nghiệm, mối quan hệ khi đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh để đem lại thành quả. Rất may, em và em trai em có chung lý tưởng, tình yêu với nông nghiệp nên sau một thời gian thử sức, bố mẹ em đã chấp nhận và ủng hộ.

Vọng và Dũng chọn hướng khởi nghiệp bằng việc nuôi heo rừng và gà rừng thuần chủng. Bởi, họ nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường về các mặt hàng đặc sản, sản phẩm hữu cơ rất lớn. Họ tìm nguồn giống chất lượng, ban đầu vốn ít chỉ nuôi một số con giống. Sau đó, có vốn, có kinh nghiệm, họ từng bước mở rộng quy mô, rồi thành lập trang trại SALAFARM. Hiện trang trại SALAFARM được xây dựng trên diện tích 2,5ha, sản lượng khoảng 300 con gà rừng thuần chủng, 80- 100 con heo rừng xuất bán mỗi năm.

Nguyễn Đức Vọng cho biết: Quá trình chăn nuôi trong trang trại đều được quản lý trên hệ thống, có nhật ký chăn nuôi từ khi con giống được sinh ra đến khi xuất bán. Thức ăn toàn bộ là thực phẩm tự nhiên, hữu cơ như chuối, bắp được trồng trong trang trại, cám gạo và cám bắp mua của người quen... Sản phẩm thịt làm ra cũng được chào bán trên Website, các nền tảng mạng xã hội, kết nối khách hàng khắp nơi.

Học đại học xong, ra trường đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh với mức thu nhập tương đối khá, nhưng Võ Thị Nhung Nhi (27 tuổi  ở thôn 3, xã Đăk Ma, huyện Đăk Hà) cũng là một trong số những người trẻ quyết định “đi ngược đám đông” khi bỏ việc ở phố về quê làm nông.

Võ Thị Nhung Nhi bộc bạch: Em thấy nhiều anh, chị không có điều kiện bằng mình mà họ còn bỏ phố về quê, lên rừng làm nông và thành công, vậy tại sao mình lại không được. Vậy là, sau khi cân nhắc kỹ càng, đầu năm 2022, em  quyết định nghỉ việc, về quê làm nông nghiệp theo cách của riêng mình.

Võ Thị Nhung Nhi khởi nghiệp với mô hình trồng cây ăn trái hữu cơ. Ảnh: TH

 

Với vốn liếng là 2ha đất rẫy của bố mẹ, Nhi chọn xây dựng mô hình trồng cây ăn trái hữu cơ, nuôi heo, gà bản địa. Nhờ chất lượng sạch nên sản phẩm làm ra được nhiều bạn bè và khách hàng đón nhận, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

Cũng theo Võ Thị Nhung Nhi, nhờ học đại học và đã từng được đi tham quan, học hỏi ở một số nước, nên em biết cách xây dựng kế hoạch sản xuất, quản lý tài chính, đón đầu được nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của khách hàng. Vì thế, em biết mình cần làm gì, bán như thế nào để tối ưu hóa lợi nhuận và hạn chế rủi ro “được mùa, mất giá”  mà người nông dân thường gặp phải.

Những mô hình, cách làm mới mẻ, táo bạo của những người trẻ như anh em Nguyễn Đức Vọng và Võ Thị Nhung Nhi đã tạo ra sự khác biệt lớn, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Họ chính là nguồn nhân lực mới, chất lượng, cần thiết cho quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số

Chuyển đối số là xu thế tất yếu trong tất cả các lĩnh vực hiện nay, trong đó, có nông nghiệp. Nắm bắt xu hướng này, những năm gần đây, tỉnh ta rất quan tâm triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng nông nghiệp thông minh, tiến tới nông nghiệp số để tạo ra bức tranh nông nghiệp hiện đại.

Ông Nguyễn Tấn Liêm- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-SN (ngày 28/10/2021) về Chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Dù còn khá mới mẻ, nhưng quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp bước đầu đem lại những kết quả nhất định, như triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tích hợp dữ liệu sản xuất nông nghiệp vào phần mềm quản lý.

Quy trình sơ chế, đóng gói sản phẩm chuối xuất khẩu của Công ty Duy Tân. Ảnh: TH

 

Cụ thể, toàn tỉnh hiện có khoảng 8.000ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Theo đó, trên cây ăn quả, ứng dụng công nghệ tưới nước, bón phân tự động và bán tự động, sử dụng máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý; dùng các chế phẩm vi sinh sản xuất phân bón, quản lý dịch hại. Trong sản xuất rau, hoa, củ, quả ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào để sản xuất giống, công nghệ nhà màng, nhà kính; công nghệ tự động hóa trong các khâu trồng, chăm sóc; công nghệ thông minh IOT trong sản xuất.

Đặc biệt, để rộng đường cho nông sản “xuất ngoại”, thời gian gần đây, ngành Nông nghiệp tiến hành triển khai và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong xây dựng và đăng ký “mã số vùng trồng” đối với các loại trái cây. Hiện, toàn tỉnh có 6 “mã số vùng trồng” đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp cho các sản phẩm trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc; nhờ đó, việc xuất khẩu nông sản thuận lợi hơn, nâng cao giá trị hàng hóa.

Từ định hướng và trợ lực của các cơ quan chức năng, việc thực hiện chuyển đổi số được các doanh nghiệp hưởng ứng và chủ động tiếp cận, giúp mang lại hiệu quả và lợi nhuận thiết thực.

Chẳng hạn như ở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Duy Tân, với 62ha trồng chuối già Nam Mỹ ở huyện Ia H’Drai, đơn vị thực hiện trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt Israel, phun thuốc bằng máy bay không người lái; hạn chế thuốc bảo vệ thực vật; quá trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói sử dụng máy móc hiện đại... Nhờ đó, chất lượng chuối của đơn vị đảm bảo tiêu chuẩn và được xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc..., mang về lợi nhuận lớn hơn.

Tại Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Đăk Hà), với trang trại trồng gần 250ha cây ăn trái, đơn vị đã đầu tư hệ thống công nghệ tưới phun sương; sử dụng các loại phân, chất dinh dưỡng hữu cơ và được định lượng chính xác, hòa tan và tưới đến từng gốc cây theo đường nước; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn quốc tế) để tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn. Hiện tại, đơn vị này có 3 mã số vùng trồng được cấp cho sản phẩm mít xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngoài ra, trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngành Nông nghiệp cũng triển khai ứng dụng công nghệ GIS và Viễn thám trong việc xây dựng bản đồ lâm nghiệp và số hóa toàn bộ bản đồ; sử dụng phần mềm FRMS trong theo dõi cập nhật diễn biến tài nguyên rừng, phần mềm Locus Map cài đặt trên SmartPhone phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm tra rừng.

Trong những năm qua, nhờ định hướng đúng, tư duy mới và cách làm hiệu quả, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có những bước tiến vượt trội. Đây chính là “chìa khóa” để xây dựng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững./.

THIÊN HƯƠNG

Chuyên mục khác