Làm giàu từ trang trại nuôi heo khép kín

21/01/2021 06:08

Theo lời giới thiệu từ Hội Cựu chiến binh huyện Ngọc Hồi, chúng tôi đến xã Đăk Tờ Kan (huyện Tu Mơ Rông) gặp ông Đặng Văn Phùng – một hội viên cựu chiến binh làm kinh tế giỏi từ việc phát triển chăn nuôi heo theo mô hình khép kín.

Mời chúng tôi vào nhà, rót ấm trà đặc mời khách, ông Phùng nhớ lại những ngày đầu xây dựng mô hình: Năm 2005, tôi quyết định chọn mô hình nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình. Khi ấy, thấy được điểm yếu của bản thân là chưa có kiến thức, kinh nghiệm, nên những năm đầu, gia đình nuôi với số lượng heo không nhiều lắm, chỉ khoảng 20 con heo nái và 100 con heo thịt. Để chăn nuôi đạt năng suất cao, hướng đến làm giàu từ mô hình, tôi dành nhiều thời gian tự tìm tòi, tích lũy kiến thức từ sách, báo. Mặt khác, thông qua các kênh của Hội Cựu chiến binh huyện, tôi được đi thăm nhiều mô hình đã thành công để học hỏi. Dần dà, khi cảm thấy đủ kinh nghiệm, tôi bắt đầu gây dựng đàn heo với quy mô lớn.

Vừa cần cù chịu khó, lại biết áp dụng những kiến thức khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, ông Phùng đã thành công với mô hình của mình. Đến nay, gia đình ông có trên 100 con heo nái, 600 con heo thịt. Đều đặn mỗi tháng gia đình ông xuất khoảng 150 con heo thịt ra thị trường. Trung bình mỗi năm, đàn heo mang về cho gia đình ông Phùng trên 1 tỷ đồng (đã trừ chi phí).

Ông Phùng chăm sóc đàn lợn của mình. Ảnh: T.T

 

Khi tôi ngỏ lời muốn được tận mắt chứng kiến mô hình chăn nuôi của gia đình, ông Phùng đưa tôi một bộ đồ chuyên sử dụng trong trang trại của mình. Ông Phùng tâm sự: Bình thường, ngoài tôi và những công nhân đang làm việc trong trang trại, không ai được tiếp xúc trực tiếp với đàn heo. Bởi điều này mang đến nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Trước khi mặc bộ đồ chuyên dụng, ông Phùng yêu cầu tôi vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Sau đó cả tôi và chiếc xe được phun thuốc khử trùng kỹ càng. Trải qua các công đoạn bắt buộc, ông Phùng mới đưa tôi đến trang trại nuôi heo của gia đình.

Với diện tích 2.000m2, trang trại nuôi heo của ông Phùng nằm tách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Khoảng cách từ cổng đến trang trại chừng 100m, đều được rải vôi và có nhân viên kiểm tra theo quy định. Ông Phùng bảo: Cậu thông cảm, phải thực hiện quy trình khắt khe như vậy mới đảm bảo đàn heo không tiếp xúc trực tiếp với nguồn dịch bệnh từ bên ngoài, đặc biệt là nhiều loại bệnh nguy hiểm trên lợn như tai xanh, lở mồm long móng, viêm phổi, tả lợn Châu Phi.

Trong thời gian vừa qua, dịch tả lợn Châu Phi đã bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Dịch bệnh khiến nhiều hộ gia đình phải “treo” chuồng, không dám tái đàn, ngành chăn nuôi heo điêu đứng. Tuy nhiên đối với gia đình ông Phùng, đàn heo vẫn phát triển ổn định, không có cá thể nhiễm bệnh.

Theo ông Phùng chia sẻ, vào những thời điểm dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, mỗi ngày trang trại đều phải khử trùng toàn bộ khuôn viên, định kỳ 3 ngày sẽ phun thuốc diệt ruồi, muỗi một lần để đảm bảo an toàn. Đồng thời, các nhân viên luôn phải để ý đến vấn đề vệ sinh nguồn nước, nguồn thức ăn nhằm tăng cường khả năng đề kháng của đàn heo. Trong suốt thời gian cao điểm này, cả trang trại đều phải tuân thủ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cho đến hiện tại, dù dịch tả lợn Châu Phi đã lắng xuống, nhưng trang trại của ông vẫn thường xuyên duy trì các biện pháp này.

Ông Phùng khiêm tốn: Phần nhờ may mắn, phần nhờ các biện pháp phòng tránh chặt chẽ, nên cả đàn heo đều không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn Châu Phi. Số lượng heo xuất ra thị trường đều được các thương lái thu mua hết. Thậm chí, vì nguồn cung thiếu, giá cũng được đẩy lên rất cao, nên những hộ gia đình chăn nuôi đã phòng dịch thành công như chúng tôi được hưởng lợi. Đàn heo xuất bán đem lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với những năm trước. Điển hình như năm 2020, gia đình tôi đã thu về được khoảng 6 tỷ đồng (đã trừ chi phí). Tôi dự định, mở rộng thêm trang trại, đồng thời sắm sửa thêm vật dụng để chăm sóc đàn heo được tốt hơn.

Tận mắt chứng kiến trang trại khép kín, tôi thật sự thán phục sự bài bản, quy mô trong chăn nuôi của ông Phùng. Khu chuồng nuôi rất sạch sẽ, thoáng mát và không có mùi đặc trưng như nhiều khu chăn nuôi khác mà tôi đã từng đến. Trang trại của gia đình ông Phùng được trang bị hệ thống thông gió, hệ thống sưởi ấm, hệ thống làm mát… Mỗi ngày, hàng trăm con heo được chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng. Theo ông Phùng, chuồng trại được xây dựng đúng chuẩn kỹ thuật, để đảm bảo luôn khô ráo, thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Toàn bộ chuồng đều được thiết kế cao hơn nền bê tông khoảng 1m nhằm tránh ẩm ướt, ngập úng, giúp dễ thoát nước và dọn dẹp vệ sinh. Đồng thời trang trại cũng được phân thành từng gian riêng biệt, nhằm tạo không gian, cũng như duy trì đủ số lượng cá thể heo trên diện tích cụ thể.

Quan sát tỉ mỉ từng gian chuồng, ông Phùng mỉm cười vui vẻ: Trông nhàn nhã thế thôi, chứ cái nghề này cũng lắm cực khổ và gian truân. Để gây dựng được trang trại như thế này, bản thân tôi cũng đã nhiều lần phải đánh đổi mồ hôi, công sức, tiền bạc và thậm chí cả nước mắt. Tuy nhiên, tôi luôn kiên trì, cố gắng để giữ vững niềm tin với con đường mình đã chọn. Bởi tôi hiểu rằng, quyết tâm, nhẫn nại và tâm huyết, sẽ đem lại thành công.         

Tất Thành

Chuyên mục khác