Làm giàu từ mô hình vườn - ao - chuồng

06/07/2021 06:01

Theo giới thiệu của Hội Nông dân huyện Sa Thầy, chúng tôi đến thôn Đức Lý, xã Sa Nhơn để tham quan mô hình vườn - ao - chuồng của chị Nguyễn Thị Dịu. Từ cảnh trắng tay do hỏa hoạn, chị Dịu đã vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên trở thành hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình trên địa bàn huyện.

Chúng tôi đến thăm nhà chị Dịu vào đầu giờ sáng, khi chị đang cho cá ăn. Mặt hồ khuấy động bởi đàn cá thi nhau quẫy nước, nhao nhao đớp thức ăn. Trông vẻ hào hứng của chúng tôi khi chứng kiến cảnh đàn cá náo động tranh nhau ăn, chị Dịu nhanh nhảu cất lời: Nhà tôi nuôi cá cả chục năm nay rồi. Tôi phân chia làm 2 khu vực ao, mỗi cái rộng khoảng 900m2, để nuôi cá trê và cá trắm cỏ. Bởi qua quá trình tìm hiểu và tham khảo, tôi nhận thấy 2 giống cá này có rất nhiều tiềm năng và mỗi loại đều có những ưu điểm nổi bật riêng…

Theo chị Dịu chia sẻ, chi phí đầu tư ban đầu đối với cá trê thấp hơn so với các loại vật nuôi khác, thời gian nuôi ngắn, lại cho hiệu quả kinh tế khá cao. Cứ hơn 3 tháng, chị Dịu lại xuất bán khoảng 1 tấn cá. Trung bình mỗi năm, chị thu về hơn 75 triệu đồng từ tiền bán cá trê (chưa trừ chi phí).

Cùng với cá trê, chị Dịu chọn nuôi cá trắm cỏ bởi loài cá này có thích ứng với điều kiện môi trường ở đây, thức ăn cũng dễ kiếm với nguồn khá đa dạng (các loại cỏ, rong, bèo tấm, bèo dâu, lá chuối, lá sắn…) ngoài tự nhiên, giảm đáng kể chi phí thức ăn. Mỗi năm chị xuất bán khoảng 5 - 6 tạ cá trắm cỏ, thu về số tiền khoảng 40 triệu đồng (chưa trừ chi phí).

Chị Dịu chăm sóc đàn bò của mình. Ảnh: T.T

 

Cho đàn cá ăn xong, chị Dịu mời chúng tôi đi thăm đàn bò của gia đình. Vừa đi, chị vừa trò chuyện: Nhớ lại hồi năm 2002 nhà tôi bị cháy, mọi tài sản, vốn liếng đều biến mất theo ngọn lửa. Cũng chính vì vậy, gia đình tôi trở thành hộ nghèo. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi buông xuôi, nản lòng. Tâm niệm “còn người là còn của” tôi bắt đầu làm lại từ đầu. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, tôi tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp dành cho hộ nghèo để phát triển kinh tế…

Luôn cố gắng, cần mẫn, tảo tần phát triển kinh tế, cuộc sống của gia đình chị dần ổn định. Đến năm 2007, chị thoát nghèo và có vốn liếng để đầu tư, phát triển mô hình vườn - ao - chuồng.

Chị Dịu dứt lời cũng là lúc chúng tôi đến khu vực nuôi bò. Nhìn đàn bò con nào con nấy no tròn, béo khỏe có thể khẳng định chị Dịu đã dành nhiều thời gian chăm nuôi kỹ lưỡng. Chị Dịu chia sẻ: Để có được đàn bò như thế này, tôi đã phải bỏ nhiều công sức lắm đấy! Giống bò tôi chọn là giống bò lai, ban đầu, tôi có 5 con, đến nay qua quá trình gây đàn đã lên đến 14 con. Để có thể chăm sóc đàn bò được tốt nhất, tự bản thân tôi đã tìm tòi học hỏi, trang bị những kiến thức về chăn nuôi. Qua đó, tôi rất chú trọng đến các yếu tố về thiết kế chuồng trại, cách chọn giống, phương pháp lựa chọn, phối trộn thức ăn…

Đồng thời, để chủ động phòng, chống bệnh cho đàn bò, chị Dịu cực kỳ quan tâm đến khâu dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại. Hàng ngày, chị thường tiến hành vệ sinh, sát trùng chuồng trại bằng xà phòng hoặc nước vôi. Bên cạnh đó, chị luôn theo dõi lịch trình biến động hàng ngày, cũng như ghi chép việc tiêm vắc xin trên đàn bò một cách cụ thể nhất để có thể phát hiện, xử lý kịp thời mầm bệnh. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn bò khỏe mạnh, mau lớn; trung bình hàng năm đem về thu nhập cho chị khoảng 100 triệu đồng (đã trừ chi phí).

Chị Dịu cười lạc quan: Tuy tôi mát tay, nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Như trong năm 2020 vừa qua, tôi đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng để nhập về 120 con heo, nhằm mở rộng mô hình tăng thêm nguồn thu nhập. Với giá heo thời điểm đó, tôi dự đoán khi bán mỗi con phải lời gần gấp đôi. Ấy vậy mà khi chuẩn bị xuất chuồng, nhiều con trong đàn đã bị thương hàn, lần lượt chết. Cũng may nhờ số heo còn lại giúp tôi không bị lỗ vốn.

Không nản chí, năm nay, chị Dịu tiếp tục nuôi khoảng 20 con heo để gây lại đàn. Dự định trong vài tháng tới, chị sẽ nhập thêm 30 con heo nữa để phát triển đàn lớn hơn, nhằm tiếp tục thực hiện kế hoạch của mình còn dang dở từ lứa chăn nuôi trước đó.

Cùng với việc chăn nuôi, chị Dịu còn có 3.500 gốc cao su trên diện tích gần 8ha đất rẫy của mình. Với giá mủ cao su ổn định như hiện tại, mỗi tháng chị thu về 45- 50 triệu đồng. Nhờ đó, chị có thể tận dụng nguồn vốn để xoay vòng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi khác cùng phát triển hiệu quả. Theo chị Dịu chia sẻ, thời gian tới, chị sẽ không mở rộng quy mô mô hình vườn - ao - chuồng , thay vào đó, tập trung vào nâng cao chất lượng, để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sa Thầy đánh giá: Với sự cần cù, chăm chỉ trong lao động và tinh thần tự lực vươn lên, chị Nguyễn Thị Dịu là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu, nhiều năm liền được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Chị thực sự là tấm gương sáng để các hội viên khác noi theo học tập.

Tất Thành

Chuyên mục khác