Làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp

11/12/2016 14:30

Gần 10 năm qua, vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Duy Lợi (58 tuổi) ở làng Tân An, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Trong đó, nguồn thu nhiều nhất của vợ chồng ông là từ nuôi cá sấu và trồng cây thanh long ruột đỏ…

Đưa cá sấu lên Kon Tum

Quê tỉnh Thanh Hóa, nhưng vốn là sỹ quan của Sư đoàn 10 (Quân đoàn III), nên sau khi xuất ngũ, ông Nguyễn Duy Lợi đã ở lại Kon Tum và gắn bó với mảnh đất đầy nắng gió này.

Những năm đầu ra quân, cuộc sống còn khó khăn, vợ chồng ông Lợi cứ loay hoay với việc "trồng cây gì, nuôi con gì" để có “của ăn của để”. Vì vậy, sau chuyến đi tỉnh Quảng Nam thăm một cơ sở nuôi cá sấu, ông Lợi quyết định nuôi cá sấu.

Năm 2007, ông vay của Ngân hàng nông nghiệp Chi nhánh tỉnh Kon Tum 300 triệu đồng, quyết tâm làm kinh tế trang trại tổng hợp, trong đó trọng tâm đầu tư là cá sấu và cây thanh long ruột đỏ.

Nuôi cá sấu chi phí không tốn nhiều như nuôi gà công nghiệp. Ảnh: V.P

 

Để nuôi được cá sấu, ông Lợi khăn gói xuống tận tỉnh Đồng Tháp, đến các cơ sở cá sấu để học cách nuôi. Sau thời gian tầm sư học nghề như thế, ông Lợi về nhà xây 4 hồ nuôi cá sấu rộng khoảng 300m2.

Sau thời gian khử trùng, ông quay lại Đồng Tháp mua con giống. "Ban đầu tôi mua 200 con về thả ở 3 hồ nuôi. Còn hồ thứ 4, gia đình chỉ nuôi cá sấu đã lớn. Ban đầu nuôi rất khó khăn, bởi mình chưa có kinh nghiệm"- ông Lợi nói.

Tuy nhiên, cứ mỗi lần gặp khó, ông Lợi và vợ là bà Đặng Thị Tánh lại tìm hiểu qua mạng Internet và gọi điện thoại hỏi các chủ cơ sở nuôi cá sấu ở Đồng Tháp để được tư vấn. Theo hướng dẫn, cá sấu là giống tạp ăn nên thức ăn hàng ngày của chúng ông Lợi kiếm cũng dễ: lúc nhỏ cho ăn cá tươi các loại, phổi bò; lớn lên thì ăn cá tươi, cá biển, gia cầm như gà, vịt chết… Ông Lợi cho rằng, chi phí nuôi cá sấu còn rẻ hơn nuôi gà công nghiệp.

Đưa chúng tôi ra hồ nuôi cá sấu, bà Tánh cho biết: Do ông Lợi bị bệnh tai biến năm vừa qua, không đi lại được, khó chăm sóc, chỉ có một mình bà lo toan nên lứa này gia đình chỉ nuôi 70 con cá sấu thương phẩm.

"Thời gian trước, ít nhất cũng có 200 con trong hồ nuôi. Nói thật, nếu giá cả thị trường ổn định, không nuôi con gì sinh lợi bằng cá sấu"- bà Tánh nói. Chỉ cho chúng tôi xem những con cá sấu béo tốt, trong đó có cả chục con đạt trên 20kg, bà Tánh cho hay, nếu giá cả hợp lý thì xuất bán dần dần lứa này.

Kể từ khi nuôi vào năm 2008 đến giờ, cứ nuôi được từ 18 tháng đến 24 tháng là xuất bán và vợ chồng ông Lợi bán được 4 lứa như thế, đạt từ 1,2 đến 1,6 tấn/lứa. Gia đình ông Lợi thường chia cá sấu ra 3 loại để bán: loại 1 là những con cá sấu đạt 15-20kg, loại 2 là 20-30kg còn loại 3 từ 30kg trở lên. Thời điểm được giá nhất, cá sấu bán ra thị trường 200.000 đồng/kg, còn sau đó là 140.000 đồng/kg và hiện nay dưới 80.000 đồng/kg.

Theo ông Lợi, lứa này chưa bán nên chưa tính được lời lãi, còn năm 2015 bán ra 1,6 tấn cá sấu, gia đình lãi 80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cũng theo ông Lợi, nuôi lâu năm cá sấu xuất hiện tình trạng nhiễm bệnh, có một vài con cứ co giật, toàn thân thẳng ra rồi chết.

“Trồng thanh long lợi nhuận cao”

Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Lợi khi chúng tôi hỏi về vườn thanh long ruột đỏ đang xanh mượt trong vườn.

Ông Lợi kể, ông trồng thanh long cùng đợt với nuôi cá sấu. Ban đầu, khi đưa về trồng đất này, bà con ai cũng đặt câu hỏi: liệu có trái không? Thế nhưng, qua nắm bắt kỹ thuật, ông Lợi khẳng định là cây này phát triển tốt trên đất Tây Nguyên nên bước đầu trồng 150 gốc. "Mình tốn tiền khi bỏ vốn ra làm trụ cho cây, còn việc chăm sóc thì không có khó khăn gì lớn"- ông Lợi nói.

Sau một năm trồng, những cây thanh long nhà ông Lợi ra hoa và kết trái trung bình 5 kg/gốc. Đáng nói là, năm thứ 2 năng suất đã tăng gấp đôi và đến năm thứ 4 thì có hàng chục cây đạt 20kg/gốc. Đến năm 2012, ông trồng tiếp 250 gốc thanh long, tăng số lượng cây này trong vườn lên 400 gốc, trên diện tích 4.000m2. Ưu điểm của loài cây thanh long ruột đỏ là ra quả quanh năm, mỗi năm thu hoạch được 8 đợt và mỗi khi bán, tư thương vào tận vườn để cân trái.

Thanh long ruột đỏ trồng ở trang trại gia đình ông Lợi. Ảnh: V.P

 

Ông Lợi cho hay, mấy năm về trước, cây thanh long ruột đỏ có thời điểm giá bán ra từ 40.000-45.000 đồng/kg, gia đình ông kiếm khá nhiều tiền. Đến thời điểm này, giá trung bình 15.000 -20.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với những năm trước nhưng so sánh với các loại cây trồng khác thì hiệu quả khá cao: mỗi héc ta cà phê thu lợi cao là gần 40 triệu đồng/năm, còn chỉ 4.000m2 cây thanh long ruột đỏ, gia đình ông Lợi thu từ 50-60 triệu đồng/năm.

Theo ông Trần Tuấn Hải- Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Chim, ngoài nuôi cá sấu, trồng thanh long, vợ chồng ông Lợi còn có 1ha cà phê trồng xen gió bầu, 2ha cao su và chăn nuôi gà, heo... là một mô hình trang trại tổng hợp khá hiệu quả trên địa bàn xã. Các năm thuận về giá cả, gia đình thu lợi 300-400 triệu đồng/năm, nhưng 2 năm nay, giá cả thị trường không ổn định, gia đình vẫn thu mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Hà Nam

Chuyên mục khác