Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

26/11/2023 06:47

Cần cù, chăm bẵm, chịu khó tìm tòi học hỏi và sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, anh Phan Đình Trung đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp, từ đó vươn lên làm giàu và trở thành gương điển hình dám nghĩ, dám làm.

Theo chân chị Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Plei Kần, chúng tôi đến thăm, gặp gỡ anh Phan Đình Trung - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ dân phố 6 (thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi).

Vừa đi chị Hà vừa chia sẻ: Chi hội trưởng Phan Đình Trung là một người rất gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế; luôn tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng. Đồng thời, anh Trung cũng tuyên truyền cho các hội viên trong Chi hội học tập và làm theo. Hiện, mô hình kinh tế tổng hợp (trồng cà phê và chăn nuôi bò, dúi) của anh Trung được Hội chọn là mô hình điểm để nhân rộng phát triển trên địa bàn trong thời gian sắp tới.

Vườn cà phê đang trĩu quả của anh Trung (bên trái). Ảnh: Y.Đ

 

Tiếp chúng tôi tại vườn cà phê đang trĩu quả của mình, anh Trung cho biết, gia đình có hơn 3ha cà phê đang giai đoạn kinh doanh, hằng năm giúp anh thu về hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, anh nhận thấy việc phát triển kinh tế đơn thuần dựa vào cây cà phê thôi thì chỉ ổn định được cuộc sống, chưa thể làm giàu. Mặt khác, sản phẩm làm ra được mùa thì mất giá, được giá thì lại mất mùa. Vì thế, nhiều năm liền anh đi tham quan học hỏi các mô hình kinh tế tiềm năng, phù hợp để làm theo.

Qua tìm hiểu, học hỏi các mô hình hay ở các địa phương trong và ngoài huyện, năm 2021, anh quyết định vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, cùng với số vốn tiết kiệm của gia đình, đầu tư vào chăn nuôi bò và triển khai mô hình nuôi dúi.

Nói về mô hình chăn nuôi của mình, anh Trung cho hay: Bò thì ai cũng biết rồi, là loài vật rất dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, ít rủi ro và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn đối với dúi, đây cũng là một mô hình mới, trên địa bàn thị trấn ở thời điểm đó chưa có ai làm. Mô hình này rất dễ thực hiện, không đòi hỏi kỹ thuật cao, cũng rất hiệu quả để phát triển kinh tế.

Theo anh Trung, muốn nuôi dúi thì cần nắm vững kỹ thuật cơ bản, hiểu được một số đặc tính sinh học quan trọng của chúng là có thể nuôi được. Thức ăn của dúi cũng rất dễ kiếm, chủ yếu là tre, mía, cỏ voi. Ngoài ra có thể cho ăn thêm bắp, khoai lang… Hiện tại, giá bán trên thị trường khoảng 550 nghìn đồng/kg thương phẩm; 1,2 triệu đồng/ 1 cặp dúi giống.

Anh Trung với mô hình nuôi dúi. Ảnh: Y.Đ


Đến nay, anh Trung đã gây dựng thành công mô hình tổng hợp với 3ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh, 6 con bò và hơn 100 con dúi đang trong thời kỳ sinh sản. Mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 400-450 triệu đồng.

Trên cương vị là một Chi hội trưởng, không chỉ đi đầu về phát triển kinh tế gia đình, anh Trung còn rất nhiệt tình giúp đỡ, trao đổi, hướng dẫn cho nhiều hội viên nông dân về kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong chăn nuôi, trồng trọt. Đến nay, anh đã chia sẻ, hỗ trợ mô hình nuôi dúi cho 4 hộ hội viên khó khăn trên địa bàn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó anh còn rất nhiệt tình, năng nổ với công tác hội ở cơ sở và tích cực tham gia các hoạt động tại khu dân cư; tích cực tuyên truyền vận động các hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Với những đóng góp tích cực trong các phong trào, anh Trung được hội viên trong Chi hội quý mến, tin yêu, được Hội Nông dân cấp trên biểu dương, khen thưởng. Anh xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu để nhiều hội viên nông dân khác học tập và làm theo.

Y Đô

Chuyên mục khác