29/11/2023 13:25
Năm 1991, ông Phạm Văn Cầu từ quê hương Ninh Bình vào xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) lập nghiệp. Ở vùng đất mới, vợ chồng ông chăm chỉ, tích góp làm ăn và mua được hơn 5ha đất để trồng mì, bắp, cao su. Đầu năm 2016, trong một lần về thăm quê, thấy người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ trồng cây nghệ đỏ, ông học hỏi cách trồng, chăm sóc và mua cây giống về trồng thử nghiệm trên 600m2 đất của gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Cầu cho hay: “Tháng 3/2016 tôi bắt đầu trồng thử nghiệm cây nghệ đỏ. Vì chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc còn hạn chế nên năng suất, chất lượng nghệ không đạt được như mong muốn. Để khắc phục, tôi tích cực đọc báo, xem truyền hình và tìm đến các mô hình trồng nghệ hiệu quả ở xã Kroong (thành phố Kon Tum) và huyện Ngọc Hồi để học hỏi. Nhờ đó, ở vụ mùa sau, vườn nghệ đã phát triển tốt, thu về gần 3 tấn củ.
|
Theo ông Cầu, nghệ đỏ là loại cây thân cỏ được trồng để lấy củ nên cần đất tơi xốp và thoát nước tốt. Cây nghệ đỏ dễ trồng, dễ chăm sóc, có đặc tính miễn dịch hoàn toàn với mọi loại sâu bệnh. Chính vì thế, trong quá trình trồng và chăm sóc, ông không sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào, hạn chế được tối đa công chăm sóc.
Từ chỗ vừa học vừa làm, đến nay ông Cầu đã mở rộng diện tích nghệ của gia đình lên thành 2.000m2. Trung bình mỗi năm ông thu về khoảng 10 tấn nghệ tươi. Để nâng cao thu nhập, ông Cầu đầu tư hơn 30 triệu đồng để mua máy móc chế biến tinh bột nghệ. Theo ông Cầu, cứ 12kg củ nghệ tươi sẽ chế biến được 1kg tinh bột. Để có được sản phẩm tinh bột phải trải qua nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian, công sức. Theo đó, sau khi rửa sạch sẽ, củ nghệ được nghiền nát, xay nhuyễn. Xay xong, dùng vải lọc để chắt nước. Sau đó, tiến hành ngâm, khoảng 3 tiếng thay nước một lần, mất khoảng 4-5 lần lọc nước sẽ thu được sản phẩm là tinh bột nghệ nguyên chất. Để sản phẩm đảm bảo chất lượng, giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên, hàm lượng Curcumin cao tinh bột nghệ cần được phơi trong nhà, tránh ánh nắng trực tiếp và được sấy bằng máy, sau đó bọc trong bao, lọ kín.
“Mẻ bột đầu tiên làm ra, tôi đã dành tặng người thân, bạn bè dùng thử. Và rất may, mọi người đều khen ngon, công dụng hiệu quả, trị được bệnh mất ngủ, làm đẹp da, tăng sức đề kháng. Cũng từ đó mà nhiều người biết đến sản phẩm của tôi rồi tìm đến mua”.
Trung bình mỗi năm, ông Cầu chế biến được 820kg tinh bột nghệ. Với giá bán 350.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu về khoảng 280 triệu đồng. Được biết, hàng năm sản phẩm của gia đình ông được khách hàng tại tỉnh và các địa phương khác như Gia Lai, Đà Nẵng, Hà Nội, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh mua khá nhiều. Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm của ông được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
|
Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây nghệ đỏ, ông Cầu đã nhiệt tình tư vấn và cung cấp giống cho người dân trong xã cùng trồng và nhận bao tiêu sản phẩm. Nhiều năm liền, ông Cầu được cấp ủy, chính quyền tặng giấy khen vì đã có thành tích trong sản xuất, kinh doanh.
Nói về dự định sắp tới, ông Cầu cho hay, bên cạnh mở rộng diện tích trồng nghệ ông tiếp tục đầu tư và áp dụng nhiều máy móc công nghệ cao trong việc chế biến tinh bột nghệ để nâng chất lượng sản phẩm.
Ông A Thuy - Chủ tịch UBND xã Sa Bình cho biết, xã hiện có 33ha dược liệu, trong đó có khoảng 7ha nghệ. Địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, mời các chuyên gia về dạy cách trồng nghệ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nghệ để nâng cao chất lượng, không bị thất thoát nguyên liệu. Nhờ đó mà đã có nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ việc trồng và chế biến tinh bột nghệ. Ông Phạm Văn Cầu là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, chịu khó sáng tạo trong lao động, sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn nhiệt tình hỗ trợ để người dân trên địa bàn cùng phát triển kinh tế.
Thu Hiền