Làm gì với hơn 160 cây trắc chết khô trong rừng đặc dụng Đăk Uy?

26/04/2023 06:05

Tại Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy (huyện Đăk Hà) hiện có 61 cây trắc chết đứng và bị ngã đổ cùng 100 gốc trắc cũ nhưng không thể khai thác, tận thu. Vì là tài sản công nên lực lượng chức năng phải căng mình bảo vệ số cây trắc đã chết trên.

Chủ rừng… phạm luật

Năm 2021, trong quá trình quản lý, bảo vệ rừng, nhằm tránh thất thoát, hư hỏng gỗ quý, bị ngã đổ do thiên tai vào các năm 2016 và 2017 tại rừng đặc dụng Đăk Uy và phòng ngừa các đối tượng vào trộm gỗ trắc, đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy đã tự ý cắt khúc 2,274m3 gỗ trắc và đưa vào kho bảo quản. Đồng thời có văn bản xin ý kiến của ngành chức năng trong tỉnh về hướng xử lý số gỗ trên.

Trước sự việc trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính xin ý kiến hướng dẫn trình tự thủ tục khai thác lâm sản nguy cấp, quý, hiếm và xử lý 2,274m3 gỗ trắc (số 424/SNN-TTra ngày 24/2/2022).

Sau đó, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản trả lời và khẳng định việc Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy tự ý cưa khúc đưa vào kho bảo quản 2 2,274m3 gỗ trắc (là các cây gỗ bị ngã đổ do thiên tai) trong rừng đặc dụng là sai, không thực hiện đúng quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Do 2,274m3 gỗ trên không thuộc đối tượng được phép khai thác trong rừng đặc dụng, do đó không có cơ sở để hướng dẫn - Tổng cục Lâm nghiệp cho hay.

Một cây trắc đã chết khô. Ảnh: C.N

Bộ Tài chính cũng có văn bản lưu ý Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rằng, số gỗ trên là tài sản công, cần có biện pháp quản lý chặt, đảm bảo không thất thoát tài sản Nhà nước.

Trước “sai phạm” trên của chủ rừng, ông Phạm Xuân Khanh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Khi thấy cây ngã đổ, anh em cứ tưởng đưa vào trong kho là an toàn, nhưng lại vướng luật.

Sau khi bị “tuýt còi” vì phạm luật trong việc xử lý 2,274m3 gỗ trắc, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy thận trọng hơn trong việc xử lý 61 cây chết đứng và 100 gốc gỗ trắc còn lại ở trong rừng. Theo đó, đơn vị đã cắt cử người trực bảo vệ 24/24h. Đồng thời, để tránh tình trạng mất mát, thất thoát tài sản nhà nước, giảm kinh phí, nhân lực trông coi, canh gác, đơn vị có tờ trình xin chủ trương cắt dọn cây gỗ trắc ngã đổ, chết đứng và gốc gỗ cũ đem về kho quản lý, bảo quản.

Tuy nhiên, cho đến nay đề nghị trên vẫn chưa giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Tiến- Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, nguyên nhân gỗ chết nhiều là do mưa bão, một số cây bị quật ngã trốc gốc. Diện tích rừng đặc dụng Đăk Uy không có phân khu vực như vùng lõi, vùng đệm, khu dịch vụ hành chính giống trong luật nên không thể xử lý số gỗ trắc bị chết bằng cách thu gom, đưa vào kho bảo quản được.

Trong khi đó, theo ông Phạm Xuân Khanh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định của luật là rất bất cập vì không được tác động đến và phải giữ nguyên hiện trường. Vì vậy ngành Nông nghiệp vẫn phải bố trí nhân lực canh gác, bảo vệ ngày đêm.

Nỗ lực bảo vệ

Trong nhiều năm qua, tỉnh đã ưu tiên bố trí nhân lực, kinh phí cho công tác bảo vệ rừng đặc dụng Đăk Uy, nơi được xem là có quần thể rừng trắc lớn và duy nhất ở Tây Nguyên.

Cụ thể, tháng 10/2016 từ nguồn thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh đã tiến hành xây hàng rào bảo vệ quanh rừng trắc. Theo đó, một bức tường rào dài 13km, cao 2m được xây dựng, bên trên có hệ thống lưới kẽm gai; hệ thống camera giám sát cũng được lắp đặt. Cùng với đó, ngành lâm nghiệp huy động lực lượng bảo vệ rừng từ các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng và lực lượng địa phương để bảo vệ, biến rừng đặc dụng Đăk Uy thành nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất.

Nhờ vậy cánh rừng trắc nơi đây mới tạm yên.

Dựng lều để bảo vệ cây trắc đã chết khô trong rừng đặc dụng Đăk Uy. Ảnh: Trần Hóa

 

Hiện tại, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy có 40 cán bộ, công nhân viên, trong đó có gần 1/2 quân số được tăng cường từ các lực lượng khác trong tỉnh. Bình quân mỗi người bảo vệ hơn 10ha rừng. Cùng đó, chủ rừng dựng 26 lán trại trong rừng để bảo vệ. Ngay cả những cây trắc bị ngã đổ, chết đứng cũng có lán trại cạnh bên. Một số cây, chủ rừng dùng tôn, kẽm gai quấn quanh cây, lắp đặt hệ thống điện hỗ trợ để bảo vệ cây về ban đêm.

Để bảo vệ rừng Đăk Uy, tỉnh Kon Tum tăng cường nhân lực từ các lực lượng kiểm lâm, các ban quản lý rừng khác để vào cuộc. Những lúc cao điểm, rừng đặc dụng còn được tăng cường thêm lực lượng công an, quân đội của huyện Đăk Hà. Hiện lực lượng kiểm lâm cũng như Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành đứng trên địa bàn huyện, xã Đăk Mar để bảo vệ rừng trắc.

Tuy nhiên, ông Phạm Xuân Khanh kiến nghị Trung ương cần có hướng xử lý cụ thể đối với số cây trắc bị chết. Nếu số gỗ trên được thu gom, đưa vào kho để quản lý thì không chỉ đảm bảo về chất lượng, giá trị mà còn giảm áp lực cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nơi đây.     

Cao Nguyên

Chuyên mục khác