Làm gì để gỡ khó trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng?

26/05/2023 06:14

Nhiều công trình, dự án, nhiều hộ dân chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để thi công dẫn đến các công trình dự án có nguy cơ chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng chậm.

Thành phố Kon Tum là địa phương có nhiều công trình dự án đang thực hiện với 26 công trình, dự án, được giao cho các đơn vị, chủ đầu tư, với tổng diện tích thu hồi đất các dự án là 1.154,1ha, chủ yếu là đất nông nghiệp. Số hộ dân bị ảnh hưởng hơn 3.700 hộ và tổ chức, trong đó, đã giải phóng mặt bằng 352ha. Hiện nay, thành phố có 13 công trình đang thi công có vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình. Ảnh: PN

 

Trong đó vướng mắc chung của các công trình là nhiều công trình, dự án kéo dài thời gian thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng do một số hộ dân chưa phối hợp trong quá trình kiểm kê tài sản trong phạm vi giải phóng mặt bằng; chưa nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được phê duyệt; chưa chấp hành quyết định thu hồi đất. Lý do, đa số người dân không đồng thuận với đơn giá bồi thường đất, nhà cửa, vật kiến trúc trên đất. Công tác xác định giá đất cụ thể (đất nông nghiệp: trồng cây hằng năm, cây lâu năm) để lập phương án bồi thường hỗ trợ chỉ thực hiện theo phương pháp thu nhập, nên các vị trí đất nông nghiệp xen kẻ khu dân cư, đất nông nghiệp thuộc quy hoạch đất ở thì giá trị bằng với đất nông nghiệp chuyên canh, vì vậy các hộ dân có đất nông nghiệp xen kẻ trong khu dân cư rất nhiều ý kiến và hộ không đồng thuận với đơn giá khoảng 67.500 đồng/m2.

Về đơn giá xây dựng nhà ở, công trình, vật kiến trúc đã được tỉnh ban hành hằng năm, cập nhật các vật liệu mới, tính toán với các kết cấu mới, tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nhà ở, công trình thực tế của hộ gia đình rất phong phú và đa dạng về công năng, loại vật liệu, quá trình sửa chữa, cải tạo nên thay đổi từ nhà ở sang nhà kho, nhà quán. Chính vì vậy, rất khó khăn trong quá trình thực hiện vừa đúng quy định và vừa tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đảm bảo tiến độ của dự án.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn- Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Kon Tum cho biết: Hiện nay, trong công tác thu hồi đất của dự án, có khoảng 80% đất nông nghiệp tại các phường và vùng lân cận. Điều đó làm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân. Trong khi đó, các hộ dân chưa kịp chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với cuộc sống sau khi bàn giao đất cho các đơn vị. Các khu vực mà được bồi thường tái định cư bằng đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng thì chỉ thực hiện theo các giải pháp phát sinh tới đâu, làm tới đó. Các khu tái định cư chưa được chuẩn bị trước nên các hộ dân chưa yên tâm để bàn giao mặt bằng để đi đến chỗ ở mới. Bên cạnh đó, trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vướng lớn nhất là vấn đề về giá cả, người dân hay ý kiến là giá không bằng với giá thị trường.

Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh thực hiện các dự án xây dựng. Ảnh: P.N

 

Theo tìm hiểu của phóng viên tại các công trình, dự án kéo dài thời gian thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đa phần là số hộ dân không đồng thuận với đơn giá bồi thường đất, hoa màu, tài sản trên đất nên chưa đồng thuận thống nhất chủ trương thu hồi đất để triển khai các dự án. Thậm chí, có dự án kéo dài cả chục năm vẫn chưa triển khai được vì vướng giải phóng mặt bằng. Đây cũng là vấn đề cố hữu mà vẫn chưa tìm được lời giải trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đơn cử như trường hợp ông Võ Bửu Chân (đường Trương Quang Trọng, tổ 1, phường Quyết Thắng) cũng chưa đồng thuận với giá đền bù để triển khai các dự án tại đường Trương Quang Trọng. Gia đình ông có hơn 1570m2 đất vừa có nhà  ở, vừa trồng các loại cây mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng nhưng chỉ được đền bù với hơn 1 tỷ đồng. Theo ông, giá vậy quá thấp và với mức tiền vậy, chưa chắc đã đủ mua vài chục mét đất ở khu mới. 

Ông Chân cho biết: Chúng tôi không phản đối chủ trương của tỉnh nhưng để người dân chúng tôi yên tâm, chấp hành thì cần bố trí nhà cửa, tạo sinh kế cho chúng tôi ở nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ như chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Để công tác giải phóng đền bù được thuận lợi thì đầu tiên các dự án cần công khai minh bạch trước khi triển khai để người dân được biết. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu được ý nghĩa của dự án nhằm tạo sự đồng thuận về chủ trương. Trong công tác kiểm kê, đo đạc cần chính xác, việc định giá, áp giá đền bù vừa phải phù hợp đúng quy định của pháp luật, vừa không để gây thiệt thòi cho người dân. Đối với dự án buộc phải di dời người dân đến nơi ở mới thì cần nghiên cứu đầu tư khu tái dịnh cư phù hợp, cũng như có kế hoạch tạo sinh kế lâu dài cho người dân khi đến nơi ở mới, theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là nơi ở mới phải bằng và hơn nơi ở cũ. Không thể làm theo kiểu “đem con bỏ chợ” như một vài dự án trước kia đã gặp phải.      

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác