"Làm cho dân phải hỏi ý dân"

13/08/2018 07:36

​Từng dự nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, thành phố Kon Tum, nhưng có lẽ tôi sẽ nhớ mãi tiếng vỗ tay vang dội của người dân thôn Ia Hội (xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum) tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND 2 cấp cuối tháng 7 vừa qua...

Hôm ấy, người dân thôn Ia Hội tập trung khá đông tại hội trường thôn. Và nội dung phản ánh của cử tri tập trung quanh vấn đề làm đường giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo cử tri Ngô Văn Tuấn (thôn Ia Hội, xã Đăk Năng), người dân đồng tình, ủng hộ và chung tay thực hiện quyết tâm xây dựng xã Đăk Năng đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Quyết tâm và sự đồng lòng ấy thể hiện rất rõ qua việc người dân theo dõi rất sát tiến độ và chất lượng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Và trong mấy năm qua, người dân Đăk Năng đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể. Họ sẵn sàng hiến đất, góp công làm đường; tự giác sửa chữa nhà cửa, sửa sang vườn tược, vận động con em đi học chuyên cần, đăng ký xây dựng đời sống văn hóa... Kết quả là đến nay, xã Đăk Năng đạt 16/19 tiêu chí.

Đường cấp phối đã xuống cấp tại thôn Ia Hội, xã Đăk Năng. Ảnh: H.L

 

Tuy nhiên, tại buổi tiếp xúc cử tri hôm ấy, nhiều cử tri lại bộc bạch về một chuyện khiến người dân phiền lòng, đó là việc làm đường giao thông nông thôn mới.

Theo phản ánh của người dân, hiện trạng đường giao thông nông thôn ở Đăk Năng ở trong tình trạng kém, tỷ lệ cứng hóa, nhựa hóa, bê tông hóa thấp, không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt của người dân mà còn "làm xấu" diện mạo nông thôn.

Anh Ngô Đình Tuấn (thôn Ia Hội) phàn nàn: Tiếng là thôn điểm của xã Đăk Năng, nhưng đến nay đường giao thông thôn Ia Hội toàn là đường đất, nắng bụi mưa lầy, chưa có tuyến đường bê tông nào. Trong khi đó, chỉ cần nhìn qua bên Ia Chim, Đoàn Kết sẽ thấy, hầu hết các đường nội thôn, liên thôn đều đã được bê tông hóa rồi, sạch đẹp lắm.

Gần đây, thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, xã có kế hoạch làm đường bê tông theo quy định cấp đường của Bộ Giao thông Vận tải. Xã, thôn cũng đã họp dân bàn bạc, thống nhất rằng sẽ làm đường bê tông theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, không cần nói cũng biết người dân Ia Hội mừng như thế nào.

Thế nhưng ít lâu sau, thôn lại thông báo là chỉ làm đường cấp phối chứ không làm đường bê tông. Chúng tôi thắc mắc thì được trả lời là do điều kiện nguồn vốn ngân sách khó khăn, không đủ kinh phí hỗ trợ làm đường bê tông nên làm đường cấp phối trước, khi nào bố trí được nguồn sẽ tiếp tục bê tông hóa - anh Tuấn phản ánh.

Cũng theo anh Tuấn, người dân thôn Ia Hội không đồng tình với việc điều chỉnh trên và có ý kiến phản ánh lên xã, lên đại biểu HĐND 2 cấp, bởi lẽ làm đường bê tông cũng không tốn kém hơn đường cấp phối là bao nhiêu, trong khi đó, người dân trong thôn sẵn sàng (và trên thực tế đã đồng ý) đóng góp kinh phí. 

Bên cạnh đó, theo chị  Nguyễn Thị Lan, việc đổ cấp phối vô hình trung sẽ gây tốn kém tới 2 lần trên 1 tuyến đường, vì chỉ cần qua một mùa mưa là sẽ xuống cấp, lầy lội ngay; đó là chưa kể người dân sinh sống hai bên đường sẽ khổ vì tình trạng "mưa lầy nắng bụi".

Vì vậy, người dân chúng tôi mong tỉnh, thành phố xem xét lại và hỗ trợ kinh phí, người dân đóng góp thêm để bê tông hóa các tuyến đường, thay vì đổ cấp phối như dự kiến - chị Lan kiến nghị.

Sau khi nghe phản ánh của các cử tri thôn Ia Hội, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đã "truy" lãnh đạo xã về việc thay đổi trong việc làm đường: Khi quyết định chuyển từ bê tông sang cấp phối, chính quyền địa phương đã hỏi ý kiến người dân chưa?

Lãnh đạo xã tỏ ra lúng túng trước câu hỏi trên của Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Võ Minh Quang - Chủ tịch xã giải trình việc thay đổi là do thành phố quyết định, phù hợp với tình hình kinh phí hạn hẹp hiện nay, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu "cứng hóa" đường nông thôn, sau này có điều kiện sẽ bê tông hóa.

Như vậy là không được - Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Hòa quyết liệt - Ở đây bà con nói rõ là không đồng tình làm đường cấp phối, sẵn sàng đóng góp kinh phí làm đường bê tông kia mà. Và tôi thấy, phản ánh, kiến nghị của bà con là hợp lý. Nếu làm đường cấp phối không giảm chi phí được bao nhiêu so với đường bê tông, lại nhanh hư hỏng, xuống cấp hơn, sau này càng tốn kém vì phải làm lại đường thì tại sao ta không lắng nghe và làm theo ý dân?

Việc gì làm cho dân, vì dân, phục vụ nhân dân thì phải hỏi ý kiến nhân dân, như vậy mới  tạo được sự đồng thuận. Người dân mà không đồng tình sẽ rất khó khăn trong vấn đề xây dựng nông thôn mới - Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Hòa nói.

Theo Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Hòa, chỉ còn 5 tháng nữa là đến thời hạn "về đích", tuy nhiên đến nay, xã Đăk Năng mới đạt 16/19 tiêu chí. Như vậy, thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực lớn, sự đoàn kết chặt chẽ của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Và tôi nhắc lại lần nữa về vấn đề cốt lõi trong nhận thức cần quán triệt rõ: Xây dựng nông thôn mới là để phục vụ nhân dân, vì nhân dân, nên khi quyết định các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như làm đường giao thông nãy giờ bàn thảo chẳng hạn, trước hết cần hỏi ý kiến nhân dân đã - Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Hòa lưu ý.

Tiếng vỗ tay vang vọng hội trường thôn Ia Hội!

Hồng Lam

Chuyên mục khác