Lại lo vấn nạn hàng giả, hàng nhái

02/12/2014 13:08

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân thường tăng cao, Và, như đã thành lệ, thời điểm này người tiêu dùng lại thấp thỏm nỗi lo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Thấp thỏm nỗi lo chất lượng hàng Tết

Vào dịp cuối năm, lợi dụng nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân tăng cao, đối tượng kinh doanh bất chính lại tìm cách tung ra thị trường các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, nhất là đối với các loại bánh mứt, rượu, bia, hoá mỹ phẩm, thực phẩm, trái cây… Đặc biệt, thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi và phức tạp với rất nhiều hình thức như nhái toàn bộ, ăn theo thương hiệu, rút ruột…; ngay cả các công cụ hỗ trợ như tem chống giả, tem nhập khẩu để phân biệt hàng giả, hàng nhái cũng bị làm giả. Đây là vấn nạn khiến không chỉ riêng người tiêu dùng lo lắng, mà cả ngành chức năng cũng phải đau đầu.

Trong số các mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất dịp Tết, có mặt hàng rượu, bia và các loại đồ uống, song hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia hiện nay rất lộn xộn, ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng. Theo lý giải của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện nay công tác kiểm tra đối với mặt hàng này mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra tem, nhãn mác, hóa đơn… của sản phẩm, còn chất lượng dường như vẫn bị thả nổi.

Với các mặt hàng trái cây, bánh mứt cũng xuất hiện nhiều loại hàng kém chất lượng; trong đó, nguy hiểm nhất là tình trạng tiểu thương nhập hàng từ Trung Quốc về rồi gắn các nhãn mác, thương hiệu có uy tín trong nước để bán, đánh lừa người tiêu dùng.

Ngoài ra, tình trạng sử dụng các loại hoá chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, công nghiệp; phẩm màu một cách vô tội vạ, cũng làm cho người tiêu dùng không biết đường nào lần…

Tăng cường kiểm soát, dự trữ hàng bình ổn 

Để góp phần ngặn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái, biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất được ngành chức năng thực hiện đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hoá. Hiện nay, các lực lượng liên ngành thuộc Ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái của tỉnh đang lên kế hoạch kiểm tra các mặt hàng chủ yếu phục vụ Tết như bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm… nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành động gian lận trong thương mại.

Tăng cường kiểm tra là giải pháp thiết thực hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái. Ảnh: T.H

Theo dự tính của Sở Công thương, mức tiêu thụ hàng hoá của người dân trong dịp Tết năm nay sẽ tăng trên 10%, do đó, Sở đã vận động 5 doanh nghiệp tham gia dự trữ các mặt hàng thiết yếu, xây dựng phương án trình UBND tỉnh hỗ trợ cho vay ưu đãi để các doanh nghiệp trữ hàng và thực hiện bình ổn giá… Việc làm này góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ găm hàng nhằm đẩy giá lên cao của tiểu thương, góp phần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, hiện nay, có Siêu thị Vinatex, Siêu thị Thành Nghĩa, Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Kon Tum đã cam kết tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá và bắt đầu trữ hàng. Ngoài việc bán hàng tại những vị trí cố định tại các cơ sở của mình, từ đầu tháng 1/2015, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ đưa hàng hoá về bán lưu động tại các huyện trên địa bàn tỉnh; lồng ghép chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đảm bảo nhu cầu mua sắm, không để người dân vùng sâu, vùng xa bị thiệt thòi; đồng thời hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán ở các khu vực này.

Với những giải pháp ngành chức năng đã đưa ra, người tiêu dùng có thể phần nào yên tâm với thị trường hàng hóa dịp cuối năm nay. Tuy nhiên, trên thực tế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…vẫn len lỏi trên thị trường, vì thế người tiêu dùng nên thận trọng khi móc hầu bao mua bất kỳ mặt hàng nào.

Ngọc Thắng

Chuyên mục khác