Kỳ vọng từ 3 lĩnh vực đột phá

02/12/2020 13:04

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra 3 lĩnh vực đột phá: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến; Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình; Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ). Đúng, trúng và cần thiết, 3 lĩnh vực đột phá được kỳ vọng tạo động lực hoàn thành các mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Trên cơ sở phát huy thành quả đã đạt được, đúc rút những mặt còn hạn chế và gắn chặt với các lĩnh vực đột phá của các huyện và thành phố Kon Tum, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI  đề ra 3 lĩnh vực đột phá  nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan; sự độc đáo, đặc sắc của bản sắc văn hóa các dân tộc; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; sức bật của phong trào xây dựng nông thôn mới…

Thực tế cho thấy, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến. Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/6/2016 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh; và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá mà Chỉ thị 20-CT/TU Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành ngày 9/1/2019 về triển khai các lĩnh vực đột phá… Chủ trương có, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện, nhờ vậy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đã có những bước chuyển biến tích cực. Kon Tum đã  hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có một số sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu như: bí Nhật, bắp sú, bơ, chuối, cà chua bi, dâu tây…

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Kon Plông. Ảnh: V.P

 

Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh chọn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến là lĩnh vực đột phá cho cả nhiệm kỳ.

Việc lựa chọn và triển khai lĩnh vực đột phá này có ý nghĩa hết sức quan trọng; sẽ từng bước tránh được tình trạng manh mún, rủi ro trong sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Trên cơ sở lĩnh vực đột phá được chọn, các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trong đó cập nhật diện tích quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm cơ sở thu hút đầu tư; tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ban hành một số chính sách đặc thù phù hợp thực tế địa phương để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này…

Trong phát triển du lịch, điều đáng mừng là đến nay, hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư hoàn thiện; nhiều tour, tuyến, điểm du lịch được đưa vào khai thác; lượng khách du lịch đến tỉnh bình quân tăng 23%/năm.

Đổi thay đô thị trung tâm thành phố Kon Tum. Ảnh: VP

 

Tuy nhiên, tiềm năng du lịch chưa được phát huy đúng mức khi Kon Tum không chỉ sở hữu nhiều điểm đến thiên nhiên thú vị và đẹp mắt, mà còn có lợi thế là vùng đất có bề dày văn hóa. Đây là những “mỏ vàng” quý giá để khai thác các loại hình du lịch. Bởi vậy, chọn và triển khai lĩnh vực đột phá đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, cảnh quan; phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch Kon Tum trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Và một khi tiềm năng, thế mạnh được phát huy một cách đồng bộ sẽ từng bước phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum mang đặc trưng riêng, vươn tầm trong nước và quốc tế; đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 2,5 triệu lượt, doanh thu du lịch tăng hơn 3 lần so với năm 2020; tạo việc làm cho 2.860 lao động.

Trong đầu tư kết cấu hạ tầng, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm  đầu tư lĩnh vực này; giai đoạn 2016-2020 đã huy động được hơn 62.329 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Các dự án trọng điểm của tỉnh được đẩy mạnh thực hiện, nhất là hạ tầng giao thông. Kết cấu hạ tầng đô thị được chỉnh trang, đầu tư nâng cấp, mở rộng; nhiều khu đô thị mới đã hình thành. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn ngày càng được hoàn thiện… Tất cả góp phần tạo nên một diện mạo mới cho Kon Tum.

Dù có những đổi thay đáng khích lệ nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và yêu cầu phát triển. Do vậy, tỉnh tiếp tục chọn  lĩnh vực đột phá là tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ)… Theo đó, các cấp, các ngành sẽ có chính sách huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư, chỉnh trang đô thị và phát triển đô thị mới; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo hướng mở rộng không gian đô thị, từ đó thu hút, đầu tư xây dựng các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, trung tâm thương mại, các khu du lịch – đô thị sinh thái nghỉ dưỡng và các cụm công nghiệp – đô thị - dịch vụ… Đó là tiền đề quan trọng để hoàn chỉnh hạ tầng, tạo cú hích phát triển cho Kon Tum trong tương lai, đặc biệt là đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thành phố Kon Tum sớm đạt đô thị loại II, huyện Ngọc Hồi sớm đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Đăk Tô, Đăk Hà đạt tiêu chí đô thị loại IV, các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai đạt tiêu chí đô thị loại V.

Phải khẳng định rằng tất cả các lĩnh vực đều cần được quan tâm phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, để tránh dàn trải, không bị phân tán nguồn lực đầu tư, việc xác định 3 lĩnh vực đột phá sát với tình hình phát triển thực tế và dự báo đúng hướng phát triển của tỉnh sẽ gỡ những nút thắt, tạo sự lan tỏa để giải quyết những vấn đề khác còn hạn chế, từ đó tạo động lực hoàn thành các mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2020-2025.

Điều đáng mừng là 3 lĩnh vực đột phá mang tính chiến lược phù hợp cho cả nhiệm kỳ đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đánh giá trúng, đúng, cần thiết nên hồ hởi đón nhận và bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng. Vấn đề là để biến mục tiêu trở thành hiện thực đòi hỏi phải có sự chủ động bứt phá, phấn đấu không ngừng, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tập trung, quyết liệt, có trọng tâm, có trọng điểm, đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. 

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác