Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng

11/04/2021 06:06

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Kon Tum, trong quý I/2021 hầu hết các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đều có sự tăng trưởng tín dụng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục giữ ổn định và phát triển, bất chấp những khó khăn khách quan, đặc biệt là ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; các hoạt động kinh tế, đầu tư vẫn diễn ra theo đúng định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và của tỉnh.

Theo đó, tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn tính đến ngày 31/3/2021 đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 0,3 % so với cuối năm 2020 (tương đương 104 tỷ đồng). Trong đó dư nợ ngắn hạn 19.400 tỷ đồng (chiếm 56% tổng dư nợ); dư nợ trung dài hạn 15.100 tỷ đồng (chiếm 44%); dư nợ cho vay bằng VND chiếm 99,4%. Cơ cấu tín dụng theo loại tiền ổn định, tín dụng VND chiếm 99,5% (34.330 tỷ đồng), dư nợ bằng ngoại tệ không đáng kể. Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn, tỷ trọng dư nợ ngắn hạn có xu hướng tăng nhằm phục vụ các nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, tín dụng chính sách xã hội tăng 1,2%; tín dụng nông nghiệp, phát triển nông thôn tăng 1,7%; tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP tăng 4,7%; cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg tăng 55%; cho vay tái canh cà phê trên địa bàn tăng 8,2%; tín dụng đối với thành phần doanh nghiệp tăng 0,3%...

Cũng đến ngày 31/03/2021, tổng dư nợ cho vay thành viên của các quỹ tín dụng nhân dân trong tỉnh ước đạt 252 tỷ đồng, tăng 2,9% so với đầu năm; huy động vốn tại địa bàn đạt 250 tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm; nợ xấu 0,4 tỷ, chiếm tỷ lệ khá thấp 0,15% tổng dư nợ. Hoạt động các quỹ tín dụng nhân dân hỗ trợ vốn tích cực, kịp thời cho thành viên hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao và ổn định đời sống, chất lượng hoạt động của các quỹ trên địa bàn đảm bảo, ổn định góp phần hạn chế tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen ở nông thôn.

Cho vay các hộ kinh doanh cá thể ở huyện Đăk Glei. Ảnh: L.S

 

Hoạt động tín dụng trong quý đảm bảo cung ứng vốn kịp thời, chủ yếu tập trung cho vay các doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Các chương trình tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, hạn chế  tiếp cận tín dụng đen, đảm bảo an sinh và trật tự xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, trước mắt các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống; cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung vào các lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh như bán buôn, bán lẻ, xuất, nhập khẩu, phục vụ nhu cầu đời sống và xây dựng… Ðồng thời, các NHTM cũng dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất và các chi phí khác để hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng.

Ông Phan Thanh Hiền- Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Kon Tum cho biết: Năm 2021, ngân hàng vẫn theo chiến lược ngân hàng bán lẻ, tín dụng tập trung mạnh vào các phân khúc mục tiêu như doanh nghiệp nhỏ và vừa cho vay cầm cố bất động sản, cho vay kinh doanh hộ gia đình…. Bởi đây là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cho vay khá hiệu quả, góp phần giúp đơn vị kinh doanh thành công.

Ông Hoàng Minh Tân- Giám đốc NHNN chi nhánh Kon Tum khẳng định: Trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của NHNN và của tỉnh, đồng thời căn cứ tình hình thực tế, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa của tỉnh và theo định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp của NHNN để góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh. NHNN chi nhánh Kon Tum cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung triển khai các biện pháp phối hợp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chung tay chia sẻ khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid 19 gây ra; chỉ đạo các TCTD tích cực đầu tư tín dụng các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; cho vay các đối tượng chính sách; đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng lành mạnh, an toàn, hiệu quả và đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đời sống người dân, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động tín dụng đen trên địa bàn.

Khả năng tăng trưởng tín dụng trong quý I là đạt mục tiêu đề ra (0,3%) do các hoạt động kinh tế- xã hội trong tỉnh đang trên đà phục hồi, nhất là khả năng chống chịu, ứng phó của các ngân hàng ngày càng tốt hơn trong điều kiện xảy ra dịch bệnh, thiên tai. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh doanh tốt hay không trong thời gian tới vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố, như khả năng kiểm soát dịch bệnh của tỉnh và của cả nước. Tăng trưởng tín dụng hợp lý phải gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt dòng tiền tín dụng, hạn chế nợ xấu.

Dương Lê

Chuyên mục khác