Kỳ vọng Hội thảo sâm Ngọc Linh - Kì 1: Nhận diện giá trị sâm Ngọc Linh

09/12/2024 06:01

Ngày 10/12, UBND huyện Tu Mơ Rông phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II. Hội thảo đang nhận được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong việc nâng tầm sâm Ngọc Linh, giúp người trồng, người tiêu dùng hưởng lợi từ loại cây quốc bảo này.

Từ đề xuất, mong muốn của người dân, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức Hội thảo sâm Ngọc Linh từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn. Hội thảo sẽ là diễn đàn để các bên cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, nâng tầm sâm Ngọc Linh.

Nhìn đúng giá trị sâm

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng) được UBND huyện Tu Mơ Rông chọn làm nơi đăng cai tổ chức Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn. Những ngày này, phóng viên Báo Kon Tum có mặt và chứng kiến công tác chuẩn bị hội thảo được triển khai rốt ráo. Đích thân lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông đã đến thị sát địa điểm tổ chức, chỉ đạo cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầy đủ hạ tầng, thiết bị máy móc, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho hội thảo diễn ra thành công.

Theo ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo. Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ cho 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Trong đó, Tu Mơ Rông hiện đã phát triển được 2.800ha sâm Ngọc Linh, lớn nhất nước. Trên đỉnh núi Ngọc Linh huyền thoại, người dân, doanh nghiệp cùng “bắt tay” trồng, làm giàu từ cây quốc bảo sâm Ngọc Linh. 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã giúp khoảng 2.000 hộ đồng bào xóa nghèo và hàng trăm hộ làm giàu. Sâm Ngọc Linh đã được chế biến thành hàng chục sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn bồi dưỡng cho sức khỏe.

Đồng chí Bí thư Tinh ủy Dương Văn Trang và lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông thăm, kiểm tra vườn sâm Ngọc Linh: Ảnh: PP

 

Ngoài sâm Ngọc Linh, thời gian qua, cũng có nhiều loại củ, sâm có vẻ ngoài tương tự như sâm Ngọc Linh. Điều này khiến người tiêu dùng khó nhận biết, phân loại, tạo cơ hội cho những kẻ xấu lừa đảo. Thực tế cho thấy, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đã xảy ra tình trạng lừa bán giống sâm giả Ngọc Linh bằng loại củ sâm được nhập từ nơi khác về, có vẻ ngoài như sâm Ngọc Linh. Vụ việc cũng đã được công an bóc gỡ. Ngoài ra, trên mạng cũng rao bán sâm Ngọc Linh có nguồn gốc từ huyện Tu Mơ Rông, nhưng thực tế, qua quan sát bằng mắt, đó không phải là sâm Ngọc Linh, nhưng rất khó để xử lý. Thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung đã có nhiều chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh chống nạn trục lợi từ thương hiệu sâm Ngọc Linh, bảo vệ người tiêu dùng khỏi nạn lừa đảo.

“Theo đề xuất, mong muốn của người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tổ chức một cuộc tọa đàm về sâm Ngọc Linh ngay tại vùng cuội nguồn của sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông đã quyết định tổ chức hội thảo nói trên, nhằm hướng đến việc giúp nhận diện rõ, đầy đủ hơn giá trị của sâm Ngọc Linh. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trên cả nước có thêm thông tin chính thống để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm, củ khác, qua đó, đưa ra sự lựa chọn phù hợp trong việc lựa chọn các loại sâm để chăm sóc sức khỏe” - ông Mạnh nói.

Thu hút nhiều nhà nghiên cứu sâm

Theo ông Võ Trung Mạnh, Hội thảo triển khai trên tinh thần khách quan, tôn trọng sự thật, dựa trên các luận cứ khoa học chuẩn xác. Để thể hiện đúng tinh thần hội thảo, dưới sự hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, huyện đã mời đầy đủ các thành phần như các nhà nghiên cứu là giáo sư đầu ngành có thâm niên nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương trồng sâm.

Tại đây, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, các nhà nghiên cứu sâm sẽ trình bày các tham luận về thực trạng phát triển sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, Quảng Nam; giá trị sâm Ngọc Linh so với các loại sâm khác; các biện pháp nâng tầm sâm Ngọc Linh… Bên cạnh đó, hội thảo cũng sẽ tổ chức thảo luận một số nội dung liên quan. Để phục vụ cho nội dung thảo luận, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức tiếp nhận các câu hỏi, nội dung của người dân, phóng viên, nhà báo để các nhà nghiên cứu, cơ quan nhà nước trả lời. Đã có hàng chục câu hỏi gửi đến ban tổ chức, cho thấy dư luận đang rất quan tâm đến sự kiện này.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, các chuyên gia đã nhận lời tham dự hội thảo sâm có Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức, Trưởng Bộ môn Dược liệu-Thực vật (Trường Đại học Tôn Đức Thắng); Giáo sư, tiến sĩ Trần Công Luận, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Đô (nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TP Hồ Chí Minh); Tiến sỹ Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh.

Khách du lịch thăm vườn sâm. Ảnh: PP

 

Trong đó, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Đức, dù đang ở nước ngoài, nhưng vẫn quyết định nhận lời mời tham gia hội thảo. Giáo sư Nguyễn Minh Đức chia sẻ, hơn 40 năm qua, ông có cơ duyên nghiên cứu sâu các loài sâm quý, trong đó chủ yếu sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh, và gần đây là sâm Lai Châu. Ông đã tham gia nhiều hội nghị sâm quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, hội thảo sâm sắp tới do UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức, đã mang lại ý nghĩa, tạo cho ông một cảm xúc hết sức đặc biệt vì diễn ra tại cái nôi của sâm Ngọc Linh, cây sâm quý và hết sức độc đáo của Việt Nam. Vì vậy, ông đã quyết định rút ngắn thời gian ở nước ngoài, trở về Việt Nam sớm hơn để kịp tham dự hội thảo.

Giáo sư Nguyễn Minh Đức cho biết thêm, tại hội thảo, dự kiến ông sẽ trao đổi về nội dung xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh, trên cơ sở các chứng cứ lịch sử, khoa học và thực tiễn. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo về kết quả nghiên cứu kiểm nghiệm phân biệt sâm Ngọc Linh với sâm Lai Châu. Giáo sư Nguyễn Minh Đức kỳ vọng, sẽ có nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người trồng sâm đến tham gia hội thảo để trao đổi, cập nhập các thông tin hữu ích về những thành tựu trong nghiên cứu, phát triển sâm Ngọc Linh; thảo luận sâu trên tinh thần khoa học và trung thực về những khó khăn, tồn đọng và đề xuất các giải pháp hiệu quả để sâm Ngọc Linh không chỉ là cây thuốc "quốc kế dân sinh" đáng tự hào của người Việt, mà tiến tới sẽ trở thành một sản phẩm quốc gia trên thị trường quốc tế, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước.

Hội thảo góp phần quảng báo thương hiệu sâm Ngọc Linh

Vừa qua, UBND tỉnh ban hành văn bản số 4271, trong đó, chỉ đạo địa phương, ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về quyền sở hữu công nghiệp, quá trình sản xuất và giá trị của sâm Ngọc Linh; hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện và lựa chọn sản phẩm chính hiệu, góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum. Theo ông Võ Trung Mạnh-Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, nội dung hội thảo nhằm nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh nói trên.

Văn Phương – Võ Phúc

Chuyên mục khác