28/10/2017 13:11
Dù còn trong quá trình đầu tư xây dựng, nhưng 16 năm qua, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mở rộng giao thương từ Cửa khẩu quốc tế Bờ Y trên hành trình xuyên Á là mong đợi của nhân dân trong tỉnh.
Đến nay, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã thu hút 56 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 1.491 tỷ đồng. Trong đó, có 27 dự án đầu tư kinh doanh đang hoạt động, vốn đăng ký 499,6 tỷ đồng, vốn thực hiện 478,9 tỷ đồng; 14 dự án đang triển khai xây dựng, vốn đăng ký 419,2 tỷ đồng; 13 dự án xây dựng văn phòng làm việc; 2 dự án vừa được cấp phép xây dựng…
|
Hoạt động xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y từ năm 2006 đến nay ngày càng sôi động, sau khi Quốc lộ 18B hoàn thành đưa vào sử dụng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư tại Lào. Số lượng khách, phương tiện xuất nhập cảnh qua lại cửa khẩu ngày càng tăng; ngành du lịch mở nhiều tuyến du lịch qua lại cửa khẩu. Tất cả mọi hoạt động tại cửa khẩu năm sau đều tăng so với năm trước.
Theo số liệu thống kê từ Ban quản lý Khu kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, buôn bán, trao đổi hàng hóa qua Cửa khẩu Bờ Y đang phát triển. Lượng hành khách xuất nhập cảnh trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 156.242 lượt; phương tiện xuất nhập cảnh đạt 21.796 lượt. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 151,316 triệu USD. Các khoản thu (thuế, phí, lệ phí) đạt 188,931 tỷ đồng (năm 2016 hoạt động xuất nhập cảnh có 323.000 lượt hành khách, giá trị kim ngạch xuất khẩu 156,44 triệu USD, thu ngân sách 105,95 tỷ đồng). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng (phục vụ các công trình thủy điện), phân bón, cây giống (phục vụ sản xuất nông nghiệp); mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là cao su, đường… từ Lào về.
Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y còn rất hạn hẹp, chỉ mới đáp ứng khoảng 6% nhu cầu đầu tư, dẫn đến hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, tiến độ đầu tư còn chậm. Hoạt động giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu còn khiêm tốn, chưa xứng tầm; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; chưa có các dự án lớn có tác dụng thúc đẩy, lan tỏa.
Các doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y có quy mô nhỏ, vốn ít, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ nhỏ lẻ; khai thác, chế biến vật liệu xây dựng thông thường; chế biến mủ cao su, nông sản, xăng dầu... nên hiệu quả thấp.
Việc quy hoạch trong Khu kinh tế đối với quy hoạch ngành và quy hoạch của địa phương còn chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán như quy hoạch dân số; quy hoạch hệ thống đô thị, các trung tâm; quy hoạch phát triển hạ tầng... cao hơn nhiều lần hoặc không phù hợp nên chưa thực sự phát huy hiệu quả đầu tư.
Ngay cả việc đầu tư hệ thống dịch vụ hỗ trợ như bưu chính viễn thông, tín dụng ngân hàng,... cũng chưa có quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư thuê, đất chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư phải tự thỏa thuận giá trị đền bù với người có đất, gây khó khăn cho việc triển khai dự án...
Đó là những nguyên nhân làm giảm sức thu hút đầu tư của các nhà đầu tư, hạn chế hoạt động kinh doanh thương mại tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Ông Vũ Mạnh Hải - Phó Ban Quản lý Khu kinh tế cho biết: Hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu Bờ Y được đầu tư còn chậm. Trong các năm gần đây, chưa có công trình mới xây dựng tại cửa khẩu. Nguồn vốn ngân sách cấp chủ yếu là trả nợ tạm ứng các năm trước. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, quy hoạch bổ sung và quy hoạch xây dựng các khu chức năng theo hướng khai thác lợi thế, thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế xin chủ trương quy hoạch xây dựng cơ sở dạy nghề cho lao động 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu gắn với thực hành và sản xuất; gắn với giao lưu văn hóa, phát triển du lịch; thu hút đầu tư của doanh nghiệp 3 nước…
Vẫn còn không ít trở ngại mà tỉnh phải nỗ lực vượt qua để có nguồn lực đầu tư cho Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y gắn với huyện Ngọc Hồi, xây dựng khu kinh tế này trở thành vùng kinh tế sôi động, hoàn thành kỳ vọng mở rộng giao thương và phát triển du lịch trên hành lang kinh tế Đông-Tây nối với các tỉnh Nam Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan.
Dương Lê