23/12/2016 09:15
Nỗi lo hàng giả từ lá đến củ
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 300ha sâm Ngọc Linh, nhưng diện tích này chủ yếu là của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Số diện tích trong dân chỉ khoảng chục héc ta.
Hiện nay, các đơn vị trên vẫn chưa bán ra thị trường mà mới chủ yếu bảo tồn, nhân giống và phát triển thêm diện tích của đơn vị; còn nguồn sâm Ngọc Linh trong tự nhiên gần như đã cạn kiệt bởi sự săn lùng tận diệt trong thời gian qua.
|
|
Thế nhưng, trên thị trường, sâm Ngọc Linh lại không thiếu(?!) Lướt trên các trang mạng xã hội và ở các facebook cá nhân, chúng tôi thấy có rất nhiều địa chỉ rao bán sâm Ngọc Linh; liên hệ điện thoại hỏi mua hàng thì lúc nào cũng có từ một đến vài cân.
Không những vậy, người rao bán còn giới thiệu thích hàng rừng hay hàng trồng, tùy loại to hay nhỏ có giá khác nhau. Giá hàng rừng và hàng trồng chênh nhau từ vài triệu đến chục triệu đồng. Thậm chí, người rao bán cam đoan có cả củ và lá tươi nguyên thật 100%. Những người này đều giới thiệu hàng “chính hãng” ở thủ phủ, thánh địa sâm Ngọc Linh ở Tu Mơ Rông.
Mới đây, tôi gặp một anh bạn ở huyện Đăk Hà, trong câu chuyện nói về sâm Ngọc Linh, anh này giới thiệu với tôi có bán sâm Ngọc Linh mà anh đang trồng tại Tu Mơ Rông.
Hỏi giá, anh bảo 60 triệu/kg tươi loại 3-4 củ một cân. Không những vậy, anh còn hứa hôm nào lấy hàng đích thân anh sẽ dẫn lên tận vườn chọn cây nhổ ngay tại vườn để tạo lòng tin với chúng tôi.
Chưa kịp lên vườn của anh bạn này mua sâm Ngọc Linh, thì mới đây, trở lại Măng Ri, dẫn chúng tôi lên vườn sâm mà anh và các nhóm hộ ở Măng Ri trồng, A Sỹ- Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri (người đang được giao quản lý nhóm liên kết trồng sâm với Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum) kể: Mình đã vào vườn sâm của một người tại xã Ngọc Lây xem cách họ trồng như thế nào thì phát hiện có một số cây, loại củ rất giống sâm Ngọc Linh được trồng trà trộn lẫn với sâm Ngọc Linh thật. Mình là người trồng sâm Ngọc Linh nhiều năm nay nên chỉ cần nhìn là biết ngay đâu là giả, đâu là thật.
Câu chuyện kể của A Sỹ khiến tôi giật mình bởi kỹ nghệ làm giả thật tinh vi của một số đối tượng để lừa bán cho khách hàng. Nếu chúng ta cứ nghĩ mua tại vườn, có củ và lá đầy đủ là thật, thì sẽ tiền mất tật mang, tiền thật mua hàng dởm.
Theo chân A Sỹ lên vườn sâm, ngay tại vườn, chỉ vào cây sâm Ngọc Linh thật, A Sỹ cho biết: sâm Ngọc Linh giả có 7 lá kép, sâm thật thì thường chỉ 5 lá kép. Thân của cây sâm giả nhợt, hơi tím hơn sâm Ngọc Linh thật bởi thân màu xanh đen; còn phần củ thì cây sâm giả mắt tròn, củ dài, nhiều mắt, thân mọng và màu sẫm. Sâm Ngọc Linh thật đốt ngắn, mắt to, chắc, màu vàng tươi... Sâm Ngọc Linh thật khi ăn có vị đắng và ngọt, còn sâm giả vị cũng khá giống nhưng rất khé cổ, khó nuốt.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trồng sâm, nên khi tôi vừa đưa hình ảnh mà một số trang mạng cá nhân quảng cáo sâm Ngọc Linh, A Sỹ chỉ liếc qua đã khẳng định đó không phải là sâm Ngọc Linh thật. A Sỹ khuyên tôi: Hàng giả đó. Thời điểm này mà sâm còn cả lá xanh mướt như vậy là không đúng đâu. Bởi hiện nay là thời điểm sâm Ngọc Linh ngủ đông, rụng hết lá rồi.
Tình trạng sâm Ngọc Linh giả cũng được chính quyền và cán bộ chuyên môn ở Tu Mơ Rông xác nhận. Thậm chí, hiện trên địa bàn không chỉ có tình trạng củ sâm bị giả, mà ngay cả lá sâm cũng bị giả.
Anh Phạm Lực - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông cho biết, vừa qua anh phải nhờ một người bạn mua tại Công ty CP Sâm Ngọc Linh 1kg lá sâm Ngọc Linh với giá 2 triệu đồng. Anh không dám mua tại địa bàn vì sợ mua phải lá sâm giả.
Trong khi đó, ở một số quán, hay một số người quảng cáo bán lá sâm Ngọc Linh ở địa bàn huyện Tu Mơ Rông và Đăk Tô chỉ với giá 1,2 triệu đồng/kg.
Đây là điều khó có thể tin, bởi như trên đã nói, hiện trên địa bàn chỉ có 2 đơn vị là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô là có diện tích sâm Ngọc Linh nhiều và cũng chỉ có 2 đơn vị này hàng năm đến mùa ngủ đông của sâm Ngọc Linh họ mới thu lá và bán với giá 2 triệu đồng/kg. Còn diện tích trong dân không nhiều nên lượng lá chủ yếu để phục vụ cho gia đình, chứ không có nhiều để bán tràn lan ngoài thị trường.
Cần có biện pháp bảo vệ thương hiệu
Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ, cũng như chính quyền huyện Tu Mơ Rông thừa nhận là có tình trạng hàng giả sâm Ngọc Linh trà trộn vào địa bàn để bán kiếm lời; tuy nhiên hiện vẫn chưa có các biện pháp ngăn chặn.
Theo chính quyền huyện Tu Mơ Rông, khó khăn trong việc ngăn chặn là vì thiếu các chế tài, quy định cụ thể.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vương Văn Mười- Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đề xuất: Để ngăn chặn tình trạng sâm giả, các cơ quan chức năng của tỉnh cần điều tra, tìm hiểu và có các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, trà trộn sâm giả với sâm Ngọc Linh thật làm ảnh hưởng đến thương hiệu của sâm Ngọc Linh. Hơn nữa, tỉnh cũng cần có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ người dân trồng và phát triển diện tích sâm Ngọc Linh.
Cũng theo ông Mười, với trách nhiệm của huyện, thời gian tới huyện chỉ đạo các đơn vị, chính quyền các xã trong vùng sâm đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của sâm Ngọc Linh. Đồng thời, vận động nhân dân trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, không tiếp tay cho những đối tượng buôn bán sâm Ngọc Linh giả làm ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị của sâm Ngọc Linh.
Việc bảo vệ thương hiệu cho sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Vì vậy, các cấp, các ngành chức năng cần có các giải pháp cụ thể để phát triển, cũng như bảo vệ thương hiệu và mở rộng sản xuất sâm Ngọc Linh, để thương hiệu sâm Ngọc Linh vươn xa mang tầm thế giới.
Văn Phương