15/08/2022 13:03
|
Ông Đinh Xuân Thi- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy cho biết: Với phương châm “Trồng cây nào sống cây ấy, trồng diện tích nào thành rừng diện tích ấy”, thời gian qua, huyện Kon Rẫy tích cực tuyên truyền, chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, trồng mới và quản lý diện tích rừng được giao. Theo đó, các khâu, quy trình trong việc trồng rừng luôn đảm bảo quy định, chất lượng như kiểm định chất lượng cây giống, phân bón; phát dọn thực bì đúng quy trình; cử cán bộ khuyến nông xuống tận nơi hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc cây đúng kỹ thuật.
Ngoài ra, huyện chú trọng công tác kiểm tra, rà soát những diện tích rừng bị chồng lấn, chồng chéo. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng thống kê diện tích đất trống có khả năng trồng rừng, diện tích đất quy hoạch đất lâm nghiệp bị chồng lấn, lấn chiếm của các đơn vị chủ rừng trả về địa phương quản lý để xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu trồng rừng sát với tình hình thực tế của các địa phương và đơn vị chủ rừng đang quản lý. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lên kế hoạch chi tiết về các nội dung, phương án trồng rừng hàng năm theo từng giai đoạn để triển khai thực hiện; chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng, tham gia triển khai công tác trồng rừng theo kế hoạch của huyện; triển khai lồng ghép, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ như nguồn ngân sách nhà nước, liên kết của doanh nghiệp, nguồn lực của nhân dân.
Để công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trồng rừng đạt hiệu quả, huyện Kon Rẫy chỉ đạo tiến hành thành lập các tổ công tác của huyện, xã phụ trách đến tận địa bàn, hộ dân để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật trong trồng và chăm sóc diện tích rừng trồng của từng hộ dân. Nhờ đó, chất lượng nguồn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc luôn đảm bảo hiệu quả; huy động lượng lớn cán bộ kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn của huyện, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ và lực lượng cán bộ công chức cấp xã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tại hiện trường cho người dân.
Hiệu quả từ việc trồng rừng đã đem lại hiệu ứng tích cực trong việc trồng và bảo vệ rừng của người dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy, nhất là đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Từ năm 2021 đến nay, huyện Kon Rẫy đã triển khai trồng được khoảng 962ha (đạt trên 64,1% kế hoạch); trong đó nhân dân tự trồng 232ha, liên kết với doanh nghiệp và tự thuê đất trồng khoảng 266ha, trồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ được 355ha, đơn vị chủ rừng trồng khoảng 109ha.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, các diện tích rừng trồng mới trên địa bàn huyện Kon Rẫy đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, ít sâu hại và có tỷ lệ sống cao trên 80%.
Ông Đinh Xuân Thi khẳng định, huyện Kon Rẫy luôn xác định phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Qua đó, phát triển rừng theo hướng bền vững nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Kon Rẫy còn gặp không ít khó khăn trong việc trồng rừng như thời tiết, khí hậu diễn biến thất thường ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác trồng rừng; diện tích đất trồng rừng chủ yếu nằm ở những khu vực cao, đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở dẫn đến công tác hỗ trợ, hướng dẫn người dân có phần bị hạn chế, không thường xuyên. Ngoài ra, hiện nay chưa có chính sách để hỗ trợ địa phương thực hiện công tác khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; việc hỗ trợ 10 triệu đồng/ha phục vụ cho công tác trồng rừng là tương đối thấp.
Để khắc phục những khó khăn và tiếp tục nâng cao công tác trồng rừng thời gian tới, huyện Kon Rẫy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thông tin về những lợi ích lâu dài của công tác phát triển rừng trên địa bàn để người dân hiểu, ủng hộ và tham gia cùng chính quyền địa phương trong trồng rừng. Theo đó, chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm như chuyển đổi một số loại cây trồng có năng suất thấp, chưa hiệu quả sang trồng rừng; tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng rừng đã trồng và có biện pháp khắc phục kịp thời với những diện tích chưa đạt yêu cầu. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết để có cơ sở triển khai hiệu quả trong các khâu chuẩn bị đất, giống, kinh phí, chính sách hỗ trợ trong những năm tiếp theo nhằm đạt kết quả cao trong công tác trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng trên địa bàn.
Hoàng Thanh