Kon Rẫy: Thống nhất phương án đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất

27/03/2020 13:05

Khoảng 1 tháng nay, khi thủy điện Thượng Kon Tum (thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) tích nước tạm hồ chứa, lượng nước chảy xuống phía thủy điện Đăk Ne (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh) chỉ đạt 0,75m3/s. Lưu lượng nước không đảm bảo, thủy điện Đăk Ne không xả theo quy trình 1,29m3/s, khiến hơn 100ha hoa màu, cây trồng của người dân tại thôn 3, xã Tân Lập và xã Đăk Tờ Lung (huyện Kon Rẫy) bị thiếu nước trầm trọng. Sau khi xảy ra vụ việc, Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh và Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã thống nhất triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, đảm bảo việc sản xuất cho bà con khu vực hạ lưu.

Hơn 100ha cây trồng chết khát

Gia đình bà Doãn Thị Nhâm có hơn 1,3ha lúa nước. Gần 1 tháng nay, khi các thủy điện chặn dòng, tích nước, dòng sông Đăk Snghé cạn trơ sỏi cát, không có nước dẫn vào ruộng, bà đành ngậm ngùi nhìn đồng lúa - nguồn thu nhập chính của gia đình- héo khô, chết dần.

“Chúng tôi mất ăn, mất ngủ chực chờ canh nước để cứu vãn đồng lúa nhưng dòng sông cạn trơ. Bây giờ 1ha lúa đã chết héo, cứ đà này kéo dài, diện tích còn lại cũng dễ mất trắng” - bà Nhâm buồn rầu cho biết.

Để cứu vãn 1ha lúa đang trổ đòng, hơn nửa tháng nay, bà Trần Thị Kết phải bỏ tiền để thuê máy bơm nước vào lúa. Theo lời bà Kết, kể từ năm 1993 tới nay, đây là năm đầu tiên diện tích này chịu cảnh thiếu nước.

 “Mọi năm trước, thủy điện không chặn dòng, mùa khô, nước sông vẫn ào ạt, bà con tưới vô tư. Năm nay, dòng sông cạn khô, cây cối chết héo hết rồi” - bà Kết bức xúc.

Hơn 100ha cây trồng của người dân tại thôn 3, xã Tân Lập đang chết dần vì thiếu nước. Ảnh: HT

 

Ngoài lúa, hơn 100ha cà phê, tiêu, cây ăn quả của các hộ dân tại khu vực này cũng trong tình trạng khô hạn. Dẫn chúng tôi ra đám cà phê đã chết khô, ông Đặng Văn Thương bày tỏ lo lắng: Gần 1 tháng nay, tôi phải đặt 4-5 máy bơm, canh tưới nước nhưng vẫn không thể cứu vãn. 1ha cà phê mới trồng được hơn 7 tháng đã chết khô; gần 5ha cà phê đang cho thu hoạch cũng héo úa, không có nước tưới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết, qua rà soát, đến ngày 22/3, có khoảng 2,8ha lúa và khoảng 113,3ha cây công nghiệp, cây ăn quả ở 2 xã Đăk Tờ Lung, Tân Lập bị thiếu nước.

Đảm bảo quyền lợi của người dân

Sau khi nghe phản ánh của người dân, UBND huyện Kon Rẫy đã làm việc với Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh để bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng hạ du.

Ngay sau đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương, UBND huyện Kon Rẫy, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và các đơn vị liên quan đã tiến hành theo dõi, kiểm tra ảnh hưởng của việc tích nước tạm hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum và kịp thời triển khai biện pháp trước mắt để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất của nhân dân.

Tuy nhiên, trước tình hình khô hạn kéo dài, thời gian tích nước của thủy điện Thượng Kon Tum đến cao trình cống xả môi trường sẽ dài hơn so với kế hoạch, vì vậy, ngày 24/3, Sở Công thương đã chủ trì cuộc họp giữa các bên liên quan để thống nhất các giải pháp đảm bảo cấp đủ nước tưới cho bà con.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Quân - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh thống nhất điều chỉnh phương án phát điện phù hợp, đảm bảo nguồn nước tưới cho khu vực đất canh tác của nhân dân xã Tân Lập và xã Đăk Tờ Lung (phía hạ du đập Đăk Ne). Cụ thể, thời gian chạy máy trong ngày từ 6h đến 11h30 và từ 15h đến 20h; thời gian tích nước từ 20h đến 6h sáng hôm sau.

Ông Lê Thanh - Phó Ban quản lý dự án Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh xác định một phần trách nhiệm do đơn vị gây ra và thống nhất phối hợp với UBND huyện Kon Rẫy rà soát, xác định giá trị thiệt hại của việc ảnh hưởng do tích nước; có phương án, hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng; hỗ trợ và phối hợp với UBND huyện Kon Rẫy, Ban Quản lý và khai thác các công trình thủy lợi tỉnh xây dựng kè nâng dòng chảy cấp nước vào thủy lợi Đăk Snghé; thực hiện vận hành xả theo đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện sau khi tích nước đến cao trình cống xả.

Tại buổi làm việc, ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương đề nghị UBND huyện Kon Rẫy thực hiện giám sát việc điều tiết nước của các nhà máy thủy điện và thông báo cho người dân chủ động lấy nước sản xuất, tưới tiêu. Cùng với đó, chủ trì, chỉ đạo UBND xã Tân Lập, Đăk Tờ Lung phối hợp với Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh có phương án hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng, hoàn thành trong tháng 3/2020.   

Hoài Tiến

Chuyên mục khác