Kon Rẫy: Thay đổi nếp nghĩ cách làm từ mô hình cụ thể

27/08/2023 06:10

Tham gia mô hình “Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ”, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã nhận ra nhiều lợi ích của phương thức canh tác hữu cơ. Từ đó thay đổi nếp nghĩ cách làm, tư duy sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm thay đổi nhận thức, chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương thức canh tác theo hướng hữu cơ đến người dân, vụ mùa năm 2021 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình “Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ” tại 2 xã Đăk Tờ Re, Đăk Tơ Lung.

Mô hình được thực hiện trên quy mô 15,4ha với sự tham gia của 60 hộ dân. Trong đó, có 30 hộ dân xã Đăk Tờ Re tham gia với 5,4ha và 30 hộ dân xã Đăk Tơ Lung tham gia với 10ha. Tham gia mô hình, người dân được tập huấn và hướng dẫn quy trình sản xuất giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ, được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Sau khi kết thúc, mô hình được đánh giá đạt kết quả tốt, năng suất trung bình đạt 70 tạ/ha, cây trồng ít sâu bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng hạt gạo thơm ngon.

Đồng lúa của gia đình ông A Klơch phát triển tốt, ít sâu bệnh. Ảnh: TH

 

Tham gia mô hình, 100% hộ dân tiếp thu và áp dụng tốt kỹ thuật trồng lúa nước ST24 theo hướng hữu cơ trên diện tích đất của mình. Sau khi mô hình kết thúc, các hộ dân vẫn tiếp tục áp dụng kỹ thuật trồng giống lúa nước ST24 theo phương thức hữu cơ đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông A Klơch (thôn 4, xã Đăk Tờ Re) tham gia mô hình “Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ” chia sẻ: Được hỗ trợ vật tư nông nghiệp cũng như hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên vụ mùa 2021, tôi đã đưa giống ST24 vào trồng trên toàn bộ 8 sào đất của gia đình theo hướng hữu cơ. Nhờ thực hiện tốt kỹ thuật nên diện tích lúa cho năng suất và chất lượng cao. Năng suất lúa đạt trung bình 7 tạ/sào, hạt gạo có độ bóng, dẻo, thơm. Từ kết quả đó, vụ lúa tiếp theo tôi vẫn trồng giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ.

“Trước đây, tôi trồng giống lúa Tám thơm sản lượng trung bình chỉ đạt 5 tạ/sào, nhưng với giống lúa ST24 trồng theo hướng hữu cơ thì năng suất đạt 7 tạ/sào. Canh tác theo hướng này tôi thấy môi trường đồng ruộng luôn sạch sẽ, bản thân tôi cũng an tâm trong quá trình chăm sóc. Dù mô hình đã kết thúc, nhưng tôi vẫn canh tác giống lúa ST24 theo phương pháp hữu cơ, đúng như kỹ thuật được cán bộ hướng dẫn” – ông A Klơch vui vẻ nói.

Từ thành công của ông A Klơch, đã có nhiều nông dân trên địa bàn xã Đăk Tờ Re tìm đến tham quan, học hỏi sau đó cũng phát triển giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ tại diện tích của mình.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Hậu (thôn 4, xã Đăk Tơ Lung) tham gia mô hình “Trồng giống lúa nước ST24 định hướng hữu cơ” với 4 sào đất. Được hỗ trợ về giống lúa ST24, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và kỹ thuật chăm sóc nên bà Hậu đã chuyển trồng giống lúa ST24 trên toàn bộ diện tích đất của gia đình. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật nên cây trồng cho chất lượng và năng suất cao.

Vì trồng lúa theo hướng hữu cơ nên bà con luôn thấy an tâm, không lo sợ độc hại trong quá trình chăm sóc lúa. Ảnh: T.H

 

“Hơn 20 năm nay gia đình tôi trồng giống lúa Hương Châu theo lối canh tác truyền thống, năng suất đạt 5 tạ/sào. Nhưng càng về sau thì năng suất càng giảm do cây trồng thường xuyên bị bệnh, đất đai bạc màu. Khi chuyển qua trồng giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ tôi thấy lúa khỏe mạnh, ít sâu bệnh, bộ lá màu xanh bền, màu sắc hạt lúa vàng, sáng hơn. Đặc biệt là năng suất cao hơn so với giống cũ, đạt 6,5 tạ/sào. Với những kỹ thuật có được, những vụ lúa tiếp theo tôi vẫn sẽ trồng giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ”- bà Hậu nói.

Ông Đào Thanh Sang- Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Lung cho hay, tham gia mô hình người dân địa phương đã nắm được quy trình sản xuất giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ. Sau khi mô hình kết thúc, người dân vẫn tiếp tục áp dụng các kỹ thuật học được vào sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Việc trồng lúa theo hướng hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khoẻ mà còn giúp giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường. Chính vì thế, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của nông dân về lợi ích khi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”- ông Sang nói.       

Thu Hiền

Chuyên mục khác