Kon Rẫy tập trung phát triển cây ăn quả

12/08/2023 14:12

Phát huy những lợi thế sẵn có, thời gian qua, huyện Kon Rẫy tập trung phát triển những cây ăn quả có tiềm năng trở thành những loại cây trồng chủ lực đem lại nhiều giá trị kinh tế.

Ông Đinh Xuân Thi- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Rẫy cho biết: “Để phát triển đa dạng các loại cây ăn quả tiềm năng, giá trị kinh tế cao, huyện tiến hành quy hoạch vùng sản xuất và đề ra nhiều biện pháp, đổi mới cách thức tổ chức sản xuất, hướng đến liên kết phát triển theo chuỗi giá trị. Đồng thời, phát triển sản xuất theo hướng chuyên sâu, chú trọng vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, nhất là các lại cây cây ăn quả có tiềm năng, giá trị kinh tế cao. Từ đó, mở rộng diện tích các loại cây này và tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ để gia tăng giá trị; thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, từng bước khắc phục khó khăn, hướng đến phát triển sản xuất bền vững, đưa Kon Rẫy trở thành một trong những vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm của tỉnh”.

Xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) là một trong những địa phương có nhiều mô hình phát triển cây ăn trái hiệu quả, được nhân rộng. Ảnh: H.T

 

Theo đó, huyện Kon Rẫy đẩy mạnh các giải pháp, tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường cây, con giống, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả trên địa bàn để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng; hướng dẫn, khuyến khích người dân chọn mua các loại giống cây trồng có chất lượng. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ giữa người dân và doanh nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các cơ sở, đồng thời tạo việc làm ổn định, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Đến nay, huyện Kon Rẫy đã triển khai nhiều dự án, chương trình đạt hiệu quả, hỗ trợ tích cực việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây ăn trái trên địa bàn. Ngoài giá trị kinh tế mang lại, các mô hình, dự án được triển khai đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đổi mới của thị trường.

Có thể kể đến một số mô hình, chương trình như: Liên kết sản xuất với Công ty TNHH Biophap (xã Đăk Pne) sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế: (Cam cara, cam sành, bưởi da xanh, chanh không hạt, gừng, nghệ, tiêu, dược liệu Hương Thảo, bơ, mãng cầu, mận, xoài); xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa lưới; tại xã Đăk Tơ Lung đã triển khai mô hình “Trồng thâm canh cây cà phê vối’’ với quy mô 5ha và mô hình “Trồng thâm canh cây chuối nuôi cấy mô’’ với quy mô 1,2ha; hướng dẫn người dân xây dựng chuỗi liên kết trồng cây chuối mốc tại các địa phương với quy mô khoảng 15ha.

Huyện Kon Rẫy chủ động xác định lại các vùng sản xuất chuyên canh, phát triển sản xuất tập trung các loại cây ăn quả thế mạnh, hướng đến hình thành liên minh hợp tác xã để hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ; chú trọng đào tạo, tập huấn để tạo nguồn nhân lực quản lý, vận hành của các hợp tác xã địa phương. Liên kết với Tập đoàn DOVECO (Đồng Giao) đăng ký nhu cầu trồng cây dứa, chanh dây tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với tổng diện tích gần 143ha.

Hiện tại, mặc dù chưa vào mùa vụ gieo trồng chính, nhưng do thời tiết thuận lợi, người dân trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã tiến hành trồng mới hơn 166ha cây ăn quả (đạt 77,51% kế hoạch năm) và hơn 60ha cây mắc ca (đạt 62,86% kế hoạch năm).

Toàn huyện Kon Rẫy hiện có hơn 1.020ha cây ăn trái với các loại như bơ, mít, xoài sầu riêng, chanh dây, mắc ca, dứa và một số loại cây khác; trong đó cây mắc ca có diện tích trên 354 ha.

Ông Đinh Xuân Thi cho biết: “Thời gian tới, huyện Kon Rẫy tiếp tục triển khai những giải pháp hữu hiệu để khắc phục những khó khăn, duy trì và phát triển hiệu quả tiềm năng cây ăn quả trên địa bàn. Trước mắt, tiếp tục nghiên cứu, định hướng vùng trồng, chuyên canh, đưa các giống cây chất lượng để phát triển hiệu quả; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư, đặc biệt là liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hình thành các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, công nghệ cao. Qua đó, hướng đến phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Kon Rẫy trở thành một trong những vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, mang lại nhiều giá trị kinh tế và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn”.   

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác