Kon Rẫy: Phát huy chính sách dịch vụ môi trường rừng trong bảo vệ rừng

30/07/2017 17:57

​Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chủ rừng và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn huyện Kon Rẫy từng bước đưa công tác quản lý bảo vệ rừng đi vào nề nếp.

Để tìm hiểu việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở địa phương, chúng tôi về Ban quản lý bảo vệ rừng huyện Kon Rẫy. Ông Đỗ Tiến Chinh - Phó ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Kon Rẫy cho biết, Ban được Nhà nước giao quản lý bảo vệ 14.724,3ha rừng phòng hộ, trong đó có 12.958,23ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng nằm trên địa bàn xã Đăk Kôi và thị trấn Đăk Rve. Diện tích rừng phòng hộ do đơn vị quản lý là rừng đầu nguồn quan trọng của dòng sông Đăk Bla và của nhiều công trình thủy điện trên dòng sông Sê San.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, Ban giao khoán cho 512 hộ dân quản lý bảo vệ 9.500ha rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; diện tích rừng còn lại Ban tự quản lý. Người nhận khoán bảo vệ rừng được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng do các nhà máy thủy điện phát điện chi trả.

Trồng cây lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp ở xã Đăk Côi. Ảnh: V.N

 

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy, năm 2016, bên cạnh mỗi héc ta rừng cung ứng dịch vụ được các nhà máy thủy điện chi trả 290 - 300 nghìn đồng/ha, Nhà nước còn cấp bù (theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020) bảo đảm người dân nhận khoán được hưởng 400 nghìn đồng/ha.

Với diện tích rừng được Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Kon Rẫy giao khoán, tính ra bình quân mỗi hộ nhận khoán được hưởng gần 7,5 triệu đồng/năm. Số tiền trên là khoản thu nhập không nhỏ giúp bà con sống gần rừng có thêm thu nhập để nâng cao đời sống và cải thiện sinh kế. Quyền lợi gắn với trách nhiệm, các hộ nhận khoán không để xảy ra khai thác gỗ trái phép, phát rừng làm nương rẫy và cháy rừng.

Đối với diện tích rừng Nhà nước giao đất, giao rừng cho dân (cấp quyền sử dụng đất rừng), Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh ủy thác cho Ban chi trả dịch vụ môi trường rừng huyện chi trả cho dân. Theo ông Nguyễn Văn Tú - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện, Trưởng ban Chi trả dịch vụ môi trường rừng huyện, không tính những năm trước, chỉ riêng năm 2016, Ban chi trả cho chủ rừng là các hộ gia đình (931 hộ dân được giao đất giao rừng) ở xã Đăk Pne, Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re, Đăk Kôi, Đăk Tơ Lung trên 2 tỷ đồng. Tính ra, bình quân các hộ nhận đất, nhận rừng được nhận hơn 2 triệu đồng/năm. Được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm, người dân ngày càng có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng và không để xảy ra mất rừng.

Đối với diện tích rừng cung ứng dịch vụ do chính quyền địa phương quản lý, UBND các xã có điều kiện hỗ trợ cho lực lượng dân quân, công an, kiểm lâm địa bàn và hộ nhận khoán tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, trực chốt bảo vệ rừng, hợp đồng người bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Văn Độ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện đánh giá cao chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thông qua chính sách này, lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh và các cấp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân, các chủ rừng nâng cao nhận thức bảo vệ rừng; đồng thời đẩy mạnh tuần tra và thành lập các chốt bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện còn phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh, Đăk Đoa (Gia Lai) tăng cường bảo vệ vùng rừng giáp ranh theo quy chế đã ký kết.  

Phát huy chính sách dịch vụ môi trường rừng cùng với việc thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Kon Rẫy dập tắt điểm nóng, không để phát rừng làm nương rẫy và xảy ra cháy rừng trái phép. Công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương ngày càng đi vào nề nếp.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác