Kon Rẫy: Nước sạch đến từng nhà

18/12/2019 06:15

Thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 - 2020, từ năm 2018 đến nay, huyện Kon Rẫy triển khai mở rộng quy mô nhiều công trình nước sạch nông thôn và đấu nối nước đến từng hộ gia đình.

Làng Kon Lung, xã Đăk Tờ Lung (huyện Kon Rẫy) là một trong những làng được hưởng lợi từ Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch thông qua việc đấu nối nước đến từng hộ gia đình.

Trò chuyện với chúng tôi, A Ngoài - làng Kon Lung (xã Đăk Tờ Lung) khoe: Trước đây, trong làng được Nhà nước đầu tư hệ thống nước sạch này rồi. Tuy nhiên, khi ấy, nước chỉ mới đến bồn lớn dùng chung cho nhiều người. Thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch, Ban Quản lý dự án xây dựng huyện đầu tư mở rộng quy mô, đấu nối nước, lắp đặt đồng hồ nước đến từng nhà, sử dụng an toàn và thuận lợi. 

Trời lạnh. Lấy tay mơn man nguồn nước, tôi cảm nhận nguồn nước ấm mát hơn khí trời. Y Lui (làng Kon Lung) thật lòng: Nguồn nước sạch của làng từ trên núi cao, trong rừng cây nguyên sinh sau lưng làng. Nước từ mạch ngầm đá núi chảy ra nên ấm. Ngày trước, bà con phải ra bồn dùng chung để lấy nước, nay được đấu nối đến từng nhà, chỉ mở vòi là có nước. Nước cấp nhà nào, nhà nấy sử dụng. Bà con tiết kiệm, không để nước chảy tràn lan, lãng phí như trước. Trong làng thành lập tổ quản lý, vận  hành công trình nước. Hộ gia đình dùng nước phải trả tiền.

Ông Hoàng Thanh Toán (làng Kon Lung) khẳng định: Để quản lý, vận hành và có tiền sửa chữa khi công trình hư hỏng, bảo đảm sự bền vững cho công trình, làng lập tổ tự quản 3 người do A Tâm - thôn trưởng làm tổ trưởng. Giá nước do dân làng quy định với mức 2 nghìn đồng/m3, nằm trong khung giá nước UBND tỉnh ban hành và được sự thống nhất cao của các hộ gia đình.

Nước sạch làng Kon Lung, xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy. Ảnh: VN

 

Nước sạch đến từng nhà, người dân nông thôn được hưởng những thành quả từ công trình nước sạch như ở phố thị. Phấn chấn khi nói về hệ thống nước sạch, già làng A Biên chỉ tay về hướng núi cao, cây cối rậm rạp: Công trình cấp nước của làng ở rừng đầu nguồn. Nguồn nước không bao giờ cạn. Rừng giao khoán cho người dân trong làng bảo vệ, không ai dám phá rừng vì sợ mất nguồn nước. Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước sạch cho dân làng. Được Nhà nước đấu nối nước đến từng nhà, dân làng ai cũng ưng cái bụng.

Theo ông Đào Đức Tiến - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, năm 2018, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch triển khai xây dựng 5 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn huyện với tổng mức đầu tư 5,93 tỷ đồng. Các công trình được đầu tư gồm: Cấp nước sinh hoạt thôn Kon Lung, xã Đăk Tờ Lung; cấp nước sinh hoạt thôn 4, xã Đăk Pne; cấp nước sinh hoạt thôn 2-3, xã Đăk Pne; cấp nước sinh thoạt thôn Kon Slak, xã Đăk Ruồng; cấp nước sinh hoạt thôn Kon Du, xã Tân Lập. Đến nay, tất cả các công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các công trình cấp nước được đầu tư phát huy hiệu quả. Nước sạch đến từng nhà, người dân rất hoan nghênh.

Ông Tiến cũng cho biết, trong năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tiếp tục đầu tư 4 công trình (cấp nước thôn Kon Túc, xã Đăk Pne; cấp nước thôn 9 - 10, xã Đăk Kôi; cấp nước thôn 2, xã Đăk Kôi; cấp nước xã Tân Lập - Đăk Ruồng) có tổng mức đầu tư  9,29 tỷ đồng với 1.050 đấu nối. Đến nay, hồ sơ dự án các công trình này được Sở Xây dựng  thẩm định và gửi ra Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để xem xét tính tuân thủ các tiêu chí thiết kế của công trình làm cơ sở thẩm định, phê duyệt  theo quy định.

Đánh giá cao Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch, nhưng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện nêu lên khó khăn hiện nay là: Kế hoạch vốn bố trí cho các công trình không đạt yêu cầu và nguồn vốn về tài khoản của đơn vị chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của công trình. Chính vì vậy, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đề nghị được cấp sớm nguồn kinh phí để giải ngân đảm bảo theo tiến độ thực hiện và kế hoạch đề ra.  

Văn Nhiên

Chuyên mục khác