31/03/2024 06:28
Ban quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy hiện quản lý 14.776,81ha rừng và đất rừng. Giai đoạn 2021-2025 đơn vị đã rà soát và ký giao khoán quản lý bảo vệ 4.000ha (chiếm 31,3% diện tích) cho 15 cộng đồng thôn, làng trên địa bàn.
Ông Đỗ Tiến Chinh - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy cho biết, đơn vị đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cùng chính quyền các cấp, cơ quan chức năng hướng dẫn các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng xây dựng quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.
|
Cụ thể, 80% số tiền nhận khoán được dùng cho các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng; 20% chi cho các hoạt động chung của cộng đồng như: Mua sắm các dụng cụ, trang thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm tra và chữa cháy rừng; chi cho các hoạt động chung của thôn, làng; tạo sinh kế cho các hộ gia đình trong cộng đồng có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, mỗi hộ vay tối đa 10 triệu đồng/lần vay. Đối tượng vay là các cá nhân, hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.
Ngoài nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng còn được tận thu các lâm sản phụ được chủ rừng cho phép và có phương án khai thác mang tính bền vững trong diện tích rừng nhận khoán.
Theo ông Đỗ Tiến Chinh, việc giao khoán cho các tổ cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng không những giúp rừng được bảo vệ tốt hơn mà còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng ngày càng nâng cao.
Trong giai đoạn 2021-2025, thôn 4 (thị trấn Đăk Rve) nhận khoán bảo vệ 131,51ha rừng. Với định mức khoán hơn 400.000 đồng/ha, mỗi năm thôn thu về hơn 106 triệu đồng để chi cho các hoạt động bảo vệ rừng, tạo sinh kế và các hoạt động chung của thôn như: sửa chữa nhà rông, làm đường, làm điện.
Ông Đinh Văn Tiêu - Tổ trưởng Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn 4 cho hay: Tổ hiện có 10 thành viên, mỗi năm mỗi thành viên nhận được khoảng 7 triệu đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ số tiền này, thành viên trong tổ đã thêm chi phí để mua sắm trang thiết bị trong gia đình, có thêm nguồn vốn để mua heo, bò và chăm sóc cây trồng. Ngoài số tiền đó, chúng tôi còn được tận thu lâm sản phụ như măng, nấm, đót dưới tán rừng.
“Đều đặn hàng tuần, chúng tôi tuần tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Nếu phát hiện những trường hợp vi phạm, xâm hại rừng, tổ sẽ nhanh chóng thông báo với lực lượng chức năng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè nâng cao nhận thức về vai trò của rừng và lợi ích từ nhận khoán bảo vệ rừng. Bởi chúng tôi hiểu, đó không chỉ là cách bảo vệ môi trường mà còn để giữ nguồn thu ổn định, lâu dài cho cộng đồng thôn và hộ gia đình” - ông Tiêu nói thêm.
|
Cũng trong giai đoạn 2021-2025, thôn 7 (thị trấn Đăk Rve) nhận khoán bảo vệ 400ha rừng. Mỗi năm cộng đồng thôn thu về khoảng 412 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Bà Y Thai - Tổ trưởng Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn 7 cho biết, từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng đã có 6 hộ dân vay vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất. Riêng gia đình bà, tháng 1/2024 đã được vay 3 triệu đồng để mua phân bón chăm sóc cây trồng.
“Tham gia vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng ngoài việc được vay vốn thì mỗi năm tôi còn nhận về hơn 5 triệu đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ đó mà tôi có thêm khoản để mua lương thực, thực phẩm và có thêm vốn để mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế” - bà Y Thai cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Đông - Chủ tịch UBND xã Đăk Kôi cho biết, xã hiện có 10 cộng đồng nhận khoán bảo vệ 3.510,28ha rừng. Từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, thành viên tại các cộng đồng nhận khoán đã có thêm nguồn thu để đầu tư chăn nuôi và phát triển một số loại cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Cũng nhờ có nguồn tiền từ dịch vụ môi trường rừng mà người dân đã tích cực hơn trong tuần tra, quản lý bảo vệ rừng.
Thu Hiền