04/04/2024 13:01
Tôi được cán bộ xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đưa đi thăm một số hộ dân từng vượt khó vươn lên thoát nghèo trên địa bàn. Anh A Bắc và chị Y Yéo, đều trú tại thôn 4, tâm sự: Năm qua, chúng tôi được Dự án giảm nghèo huyện hỗ trợ mỗi gia đình 1 con bò cái sinh sản, trị giá 19 triệu đồng/1 con bò. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ trong việc làm chuồng trại, chăm sóc bò đúng kỹ thuật, nên bò sinh trưởng tốt. Đến nay, hai gia đình chúng tôi thoát nghèo.
Anh A Dũng- Trưởng thôn 4, xã Tân Lập chia sẻ: Trong những năm qua, Dự án giảm nghèo huyện hỗ trợ bà con trong thôn 6 con bò cái sinh sản và giúp hộ gia đình A Trọng 300 cây cà phê giống. Đến nay, diện tích cây cà phê của gia đình A Trọng phát triển tốt và bò của 6 hộ nghèo béo mập. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên vận động nhân dân phát triển kinh tế. Nhờ đó, năm 2023, thôn giảm được 8 hộ nghèo và hiện chỉ còn 12 hộ nghèo DTTS.
|
Ông Lã Đức Hạnh- Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, Đảng ủy xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xã thường xuyên trao đổi thông tin với các cơ quan, ban, ngành của huyện trong việc thực hiện đảm bảo thiết thực và hiệu quả. Riêng năm 2023, bằng nguồn vốn UBND huyện giao 812 triệu đồng, xã hỗ trợ 18 con bò giống sinh sản, trên 1.100 cây mắc ca giống cho 8 hộ trồng 5,4ha; hỗ trợ giống cây ăn quả cho 80 hộ nghèo, cận nghèo và đã thoát nghèo.
Năm 2023, huyện được Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (viết tắt là Chương trình) hỗ trợ 7,853 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, UBND huyện phân bổ cho Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” 2,794 tỷ đồng, Dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng” 1,729 tỷ đồng, Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), việc làm bền vững” 2,593 tỷ đồng, Dự án 6 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” 341 triệu đồng, Dự án 7 “Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình” 396 triệu đồng.
Bằng nguồn vốn được giao đó, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND huyện mở 14 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 483 học viên. Đồng thời, hỗ trợ hàng trăm con bò, heo giống sinh sản và hàng ngàn cây giống các loại có giá trị kinh tế cao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để có điều kiện phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo.
|
Bà Đinh Thị Hồng Thu- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện tập trung nguồn lực, đưa ra các giải pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo đó, nếu tính hết năm 2021, toàn huyện có 1.834 hộ nghèo, chiếm 24,86% và 1.027 hộ cận nghèo, chiếm 13,92%; thì đến hết năm 2023, toàn huyện giảm còn 797 hộ nghèo, chiếm 10,51% và giảm còn 760 hộ cận nghèo, chiếm 10,03% tổng số hộ của huyện
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở huyện vẫn còn một số vướng mắc chưa được giải quyết thấu đáo, nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc giảm nghèo. Đó là việc thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 của Trung tâm GDNN-GDTX huyện rất khó thực hiện. Nguyên nhân là tại Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH, ngày 6/9/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thì Trung tâm GDNN-GDTX huyện chỉ thực hiện được nội dung mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, mà hiện nội dung này Trung tâm cũng rất khó thực hiện là do Trung tâm không phải là đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Trong lúc đó, vốn bố trí cho công tác đào tạo nghề theo Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 là rất lớn, nhưng kế hoạch UBND tỉnh giao cho huyện bình quân mỗi năm đào tạo nghề khoảng 450 học viên, mà đối tượng lại trùng lắp với Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, do vậy, không thể thực hiện hết vốn giao.
Bên cạnh đó, Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT, ngày 30/6/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 6 chỉ hướng dẫn các nội dung thực hiện cấp trung ương, cấp tỉnh và các xã có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; các xã, huyện còn lại không biết thực hiện nội dung gì, nên rất khó trong quá trình triển khai.
Vì vậy, UBND huyện đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ bổ sung Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện là đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Đồng thời, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 6 giảm nghèo về thông tin tại các huyện và xã không phải là xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, xã biên giới. Có như vậy, công tác giảm nghèo của huyện mới triển khai thuận lợi, góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trần Văn Phúc