Kon Rẫy: Đáp ứng nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng thụ hưởng

09/06/2023 06:13

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội “về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” (Nghị quyết số 43/2022/QH15), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kon Rẫy (Phòng giao dịch huyện) đáp ứng nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng thụ hưởng.

Ông Nguyễn Bá Phương- Giám đốc Phòng giao dịch huyện cho biết: Ngay sau khi chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam ban hành thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, Phòng giao dịch huyện chủ động phối hợp với các phòng, ban liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho vay ưu đãi. Theo đó, tổng nhu cầu vốn vay trong 2 năm (2022-2023) là 49,503 tỷ đồng (năm 2022 là 17,403 tỷ đồng và năm 2023 là 32,1 tỷ đồng).

Tính đến cuối tháng 3/2023, Phòng giao dịch huyện giải ngân được 17,403 tỷ đồng. Trong đó, cho 196 lao động vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 9,8 tỷ đồng; 7 khách hàng vay vốn để xây mới và sửa chữa, nâng cấp nhà ở 3,137 tỷ đồng; 4 hộ gia đình khó khăn vay 40 triệu đồng mua máy tính và các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho 4 em học sinh, sinh viên; 65 hộ vay 4,425 tỷ đồng hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề. Hỗ trợ lãi suất cho 4.645 món vay của các đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội 1,394 tỷ đồng. 

Bà con DTTS xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy phát triển cây cao su. Ảnh: T.V.P

 

Có thể nói, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp đồng bào DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định, ổn định chỗ ở, thúc đẩy đào tạo nghề, giải quyết việc làm và góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách đến các đối tượng thụ hưởng của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tại một số nơi trên địa bàn huyện chưa thường xuyên, chưa hiệu quả, nhất là tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, việc cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, mặc dù Phòng giao dịch huyện đã tổ chức cho vay, nhưng từ năm 2022 đến nay, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách để hỗ trợ cho người dân chưa có, dẫn đến lãnh đạo nhiều địa phương lo ngại khi ký duyệt hồ sơ vay vốn, vì lo sợ việc sử dụng vốn vay không hiệu quả, không đủ chi phí làm nhà (40 triệu đồng/căn), nên hộ vay có tâm lý giữ tiền lại để trông chờ kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Bá Phương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng hộ cận nghèo DTTS được thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ; hộ có mức sống trung bình làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp được vay vốn sản xuất kinh doanh; hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cho phép các xã khu vực III, II khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn trong thời gian 3 năm và thôn đặc biệt khó khăn nhưng không thuộc các xã đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn.

Bà con DTTS xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy phát triển chăn nuôi bò. Ảnh: T.V.P

 

Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm nguồn vốn để cho vay theo “Chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm” quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/07/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 23/9/2019 của Chính phủ như kế hoạch của UBND huyện đã xây dựng để thực hiện năm 2023 là 22 tỷ đồng; mở rộng đối tượng cho vay cho tất cả các đối tượng có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam điều chỉnh chuyển nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi có nhu cầu vay vốn thấp hơn kế hoạch giao chuyển sang cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đồng thời, các bộ, ban, ngành sớm tham mưu cho Chính phủ để cấp vốn ngân sách về cho các địa phương để hỗ trợ kịp thời cho người dân khi đã cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề.

“Đặc biệt, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội trong công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội cấp dưới thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay đối với nguồn vốn tín dụng chính sách, đôn đốc hoạt động của cấp dưới, đặc biệt trong nhiệm vụ quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn”- ông Nguyễn Bá Phương đề nghị thêm.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác