Kon Plông: Xây dựng cánh đồng lớn

21/07/2017 18:01

​Đẩy mạnh việc dồn đổi tích tụ ruộng đất, xây dựng những mô hình điểm cánh đồng lớn đang được huyện Kon Plông tích cực triển khai nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hướng tới mục tiêu xóa nghèo bền vững.

Để triển khai thực hiện, huyện Kon Plông ban hành kế hoạch dồn đổi, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025.

Huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị, các xã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu, thay đổi nhận thức, hiểu rõ trách nhiệm, lợi ích của kế hoạch tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, gắn chặt với xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, để xây dựng cánh đồng lớn, huyện vận động sự tham gia và cùng chung tay của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn với vai trò là “bà đỡ”, hỗ trợ nông dân, nhất là việc thu mua đầu ra sản phẩm của người dân...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lân - Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Huyện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn nhằm chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả, gắn với quy hoạch nông thôn mới, chỉnh trang đồng ruộng, vùng sản xuất nông sản hàng hóa. Từ đó, hình thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao và hình thành chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao…

Măng Bút xây dựng cánh đồng lớn trồng bắp lấy thân cho gia súc. Ảnh: V.P

 

Theo kế hoạch, huyện Kon Plông phấn đấu đến năm 2020 có khoảng từ 800 - 1.000ha diện tích canh tác là thế mạnh của từng xã sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”.

Để đảm bảo vững chắc, trước mắt, trong 2 năm 2017 và 2018, huyện triển khai thí điểm tại 2 xã Măng Bút và Hiếu. Trong đó, ở xã Măng Bút triển khai khoảng 30ha trồng bắp lấy thân cho chăn nuôi dê sữa tại 2 thôn Măng Bút và Long Rũa. Ở xã Hiếu, triển khai xây dựng khoảng 20ha trồng lúa nước áp dụng theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại 2 thôn Kon Plông và thôn Vi Glơng. Các xã còn lại chủ động triển khai thực hiện theo thế mạnh, cây trồng của từng xã phù hợp với thực tế địa phương…

Tiêu chí cánh đồng lớn mà huyện Kon Plông đặt ra trong quá trình triển khai là phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phát triển nông nghiệp, phát triển vùng công nghệ cao; phù hợp với điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương, đảm bảo cho nông dân có thể áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao khi tham gia sản xuất. Đồng thời, phải thực hiện ba cùng: cùng giống, cùng thời vụ và cùng chung áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh.

Bên cạnh đó, cánh đồng lớn có sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc cung ứng vật tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ…và tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Điều quan trọng nhất là người nông dân được tham gia bàn bạc tự do, tự nguyện, đảm bảo quyền lợi, hoàn toàn tự giác và chủ động trong việc thực hiện xây dựng cánh đồng lớn…

Chủ tịch UBND huyện Kon Plông - Nguyễn Văn Lân cho biết: Để triển khai hiệu quả xây dựng cánh đồng lớn, huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã tổ chức khảo sát, điều tra hiện trạng để lựa chọn thôn làng và xác định vị trí xây dựng cánh đồng lớn. Quy hoạch cơ cấu các loại cây trồng cụ thể ở mỗi cánh đồng lớn để triển khai thực hiện thống nhất trong vùng quy hoạch; tổ chức lấy ý kiến dân chủ tạo đồng thuận cao của cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và hộ dân tham gia về lựa chọn cơ cấu, thời vụ, giống, phương thức sản xuất, tiêu thụ, trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình tham gia. Cùng với đó, huyện vận động, lựa chọn các doanh nghiệp liên kết tham gia ứng trước vật tư, bao tiêu sản phẩm; tổ chức ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trước mỗi vụ sản xuất; đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân trong vùng thực hiện và phân công cán bộ tham gia trực tiếp cùng với nông dân…

 Hiện tại, huyện Kon Plông đã xây dựng được mô hình điểm cánh đồng lớn trồng bắp lấy thân phục vụ chăn nuôi ở xã Măng Bút (hơn 8ha), xã Hiếu (hơn 4ha). Đến nay, toàn bộ diện tích mô hình cánh đồng lớn trồng bắp lấy thân phục nuôi dê sữa đã thu hoạch xong, năng suất ước đạt gần 20 tấn/ha.  Diện tích trồng tại xã Hiếu và Ngọc Tem đang tiến hành thu hoạch.

Ông A Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết: Toàn bộ sản phẩm thu hoạch đã được doanh nghiệp hợp đồng thu mua hết. Người dân rất mừng vì hiệu quả hơn trồng lúa, mì. Hiện, bà con đang chuẩn bị đất để tiếp tục làm vụ thứ 2.

Theo ông Võ Đình Viết - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, bước đầu thấy việc trồng bắp lấy thân đã mang lại hiệu quả hơn trồng lúa, mì. Chúng tôi đang chờ 2 xã Ngọc Tem và xã Hiếu thu hoạch xong sẽ có đánh giá cụ thể để tính có tiếp tục nhân rộng hay không.

Cũng theo ông Viết, điều lợi trước mắt nhìn thấy rõ nhất là người dân không lo đầu ra cho sản phẩm vì đã có doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu. Điều lợi nữa là tận dụng được diện tích đất bỏ hoang, như diện tích xây dựng cánh đồng lớn vừa thực hiện ở xã Măng Bút được tận dụng ngay ven suối bà con từng bỏ hoang không sản xuất… Đặc biệt, điều đáng nói, nếu trồng đúng thời điểm trên cùng 1 diện tích có thể gieo trồng 2-3 vụ trong một năm, hiệu quả gấp đôi so với trồng lúa…

Hy vọng từ hiệu quả bước đầu của mô hình điểm xây dựng cánh đồng lớn ở các xã, Kon Plông sẽ xây dựng thành công cánh đồng lớn trên địa bàn toàn huyện, góp phần tích cực vào xóa nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Văn Phương

Chuyên mục khác